Vietstock - Có nên giảm thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp?
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp vấp phải lo ngại, đơn vị "không bị ảnh hưởng vì Covid-19" cũng được hưởng lợi.
Vì tác động của Covid-19, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gần đây đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho mọi doanh nghiệp trong năm 2020. Đề xuất này nhằm mở rộng hơn các đối tượng thụ hưởng thay vì chỉ các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, được Quốc hội thông qua giảm thuế tháng 6.
Tuy nhiên, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng "giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp" không hiệu quả và thiếu công bằng". Ông cho biết, từ trước đã không ủng hộ các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì không thực chất, chỉ tập trung vào doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi. Doanh nghiệp gặp khó khăn lại không được cứu.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc Thành.
|
Với đề xuất lần này, ông nhận định chỉ 2% doanh nghiệp được hưởng lợi, thay vì 76% doanh nghiệp khó khăn không cân đối được thu chi. Số liệu được ông Thế Anh trích dẫn từ báo cáo mới nhất của Ban IV, vốn là cơ sở để đơn vị này đưa ra kiến nghị.
Theo ông, nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp gặp khó, đứng trước nguy cơ phá sản sẽ cảm thấy bị phân biệt khi Chính phủ chỉ ưu đãi những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có lãi.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, về nguyên tắc, việc giảm thuế thu nhập có tác động nhất định với doanh nghiệp, nhưng phải đặt chính sách vào từng bối cảnh.
"Nếu doanh nghiệp không còn thu nhập, họ không có nhu cầu được giảm thuế nữa", ông nói. Dù vậy, ông Cường cho rằng giảm, giãn thuế vẫn là chính sách hỗ trợ về lâu dài cho doanh nghiệp. Còn trước mắt, biện pháp hữu hiệu nhất với doanh nghiệp, nền kinh tế là chính sách y tế, đảm bảo khống chế, không để Covid-19 tái bùng phát.
Trả lời báo chí, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó giám đốc thường trực văn phòng Ban IV, phụ trách chính về báo cáo khẳng định đề xuất không liên quan đến quy mô doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, vì hầu hết họ đang chịu lỗ, thiệt hại nặng, không phải đối tượng hưởng lợi trực tiếp bây giờ.
Theo bà, Ban IV hướng đến yếu tố tạo động lực với hy vọng mang đến tác động gián tiếp. Từ đầu dịch, Ban IV đã tiến hành ba cuộc khảo sát trên diện rộng. Ở lần khảo sát thứ ba, cơ sở cho đề xuất, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn trực tiếp 15 đại diện hiệp hội doanh nghiệp và trực tuyến với 349 doanh nghiệp (quy mô dưới 11 lao động là 39%; 11-100 lao động là 46%; 101-200 lao động là 5%; trên 200 lao động là 10%).
Vấn đề giảm Thuế thu nhập được doanh nghiệp đề cập xuyên suốt đến nay, ngay cả khi Quốc Hội đã đồng ý giảm thuế hồi tháng 6. Các doanh nghiệp qua khảo sát cũng cho thấy sự sụt giảm niềm tin khiến động lực kinh doanh bị ảnh hưởng.
"Kiến nghị không chỉ là sự tiếp nối phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp mà còn kỳ vọng là chính sách tạo động lực nếu được xem xét", bà nói. Các doanh nghiệp được thúc đẩy để phát triển kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống nhằm dịch chuyển sang nhóm được hưởng ưu đãi, tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Do vậy, đối tượng thụ hưởng lần này được xem xét trên diện rộng, đặc biệt các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tìm cách phục hồi sau đại dịch.
Dữ liệu của phía Ban IV cho thấy trong 2% doanh nghiệp tăng trưởng dương, hơn 77% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn (định nghĩa là có trên 200 lao động) chiếm 12,7%. "Các quan điểm và cách tiếp cận chính sách khác nhau nên không có đúng và sai. Vấn đề Chính phủ cân nhắc và đưa ra lựa chọn nào", bà Thuỷ nói.
Ưu tiên hỗ trợ ai, doanh nghiệp nào là bài toán khó khi doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, quy mô từ lớn đến bé đều "kêu cứu". TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, cần hỗ trợ tương ứng với mức độ tổn thương của từng ngành và giữ vững nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Như vậy, ngay cả với những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quy mô lớn, theo ông, cũng có cơ sở để được hỗ trợ nếu nằm trong nhóm ngành bị tác động mạnh vì Covid-19. Mức độ hưởng của các doanh nghiệp sẽ được cân nhắc với mức độ đóng góp của doanh nghiệp đó trong quá khứ.
Giữa tháng 8, khi thảo luận các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định phải có các biện pháp hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về thiếu hụt dòng tiền vì doanh thu giảm nghiêm trọng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đề xuất kéo dài đến cuối năm, thậm chí sang tận 2021 nếu dịch phức tạp. Các biện pháp như gia hạn các loại thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, cơ cấu thời hạn nợ, miễn giảm lãi, phí... đều được cân nhắc.
Phương Ánh