Vietstock - Cơ hội từ siêu hiệp định lớn nhất thế giới: Thách thức tại thị trường nội địa
Một trong những vấn đề mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cảnh báo khi vào sân chơi RCEP là cạnh tranh hàng hóa của VN với các quốc gia trong nhóm rất lớn.
Ngày đầu năm mới 1.1.2022, một chuyến tàu chở hàng khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc) chở 25 container hàng hóa linh kiện điện tử, nhu yếu phẩm, hóa chất… từ Trung Quốc đến Hà Nội. Tổng trọng lượng hàng hóa khoảng hơn 800 tấn, trị giá hơn 10 triệu USD, đến Hà Nội sau hành trình dài 28 tiếng.
Cạnh tranh trực tiếp
Đó là chuyến tàu hàng đầu tiên của Trung Quốc sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Trong khi ở chiều ngược lại, tình hình ùn ứ hàng hóa, đặc biệt nông sản Việt tại biên giới với Trung Quốc, đã diễn ra gần cả tháng, song các biện pháp đến nay vẫn chỉ ở mức thuyết phục, đàm phán.
Cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn. Ảnh: Nguyên Nga |
Thực tế, không riêng gì hàng hóa từ Trung Quốc có cơ hội vào VN nhiều hơn, với Hiệp định RCEP, Bộ Công thương từng cảnh báo sức ép cạnh tranh hàng hóa tại thị trường nội địa là rất lớn. Lý do là nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự VN nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn, trong khi chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Hàng Việt phải cạnh tranh trực diện với các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP. Đặc biệt, Trung Quốc được xem là một trong những thách thức lớn từ các nước tham gia RCEP bởi lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho rằng bất kỳ hiệp định thương mại nào mà VN tham gia cũng có lợi và có cả áp lực cho DN, bởi đây là những nguyên tắc thỏa thuận đồng đều giữa các bên khi tham gia. Khi sản phẩm của VN xuất khẩu đi các nước được hưởng ưu đãi về thuế thì ngược lại, hàng hóa từ các nước tham gia cùng RCEP cũng có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường VN.
Ví dụ, chuối của VN không hề thiếu, nhưng từ khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN áp dụng thì chuối từ Philippines xuất hiện tại thị trường trong nước nhiều hơn. Từ đó, áp lực cho DN cạnh tranh ngay chính trên sân nhà cũng gia tăng.
Lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thẳng: “Vào RCEP, lo ngại lớn nhất của tôi là tại thị trường nội địa”. Thực tế, các thị trường lớn như: Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… đều đã ký với VN các hiệp định song và đa phương. Còn lại thị trường ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc, là thị trường đáng bàn. Ấn Độ rời sân chơi RCEP vì lo ngại các thỏa thuận quy định hạ thấp hàng rào thuế quan sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc ngập tràn thị trường nước này. Ấn Độ cũng như VN đang có số thâm hụt thương mại với Trung Quốc khá lớn. Nền kinh tế VN luôn bị nhập siêu từ Trung Quốc, nhiều mặt hàng của nước này cạnh tranh trực tiếp với VN.
Hàng rau củ quả của Trung Quốc khi chưa có RCEP đã tràn ngập thị trường VN khi đội lốt rau Đà Lạt, tỏi Hải Dương, hạt dẻ Cao Bằng. Nay thêm RCEP, hàng nông sản Việt càng khốn khó hơn. Với hàng công nghiệp, dệt may, giày dép từ Trung Quốc cũng chiếm lĩnh thị trường, chèn ép hàng hóa cùng loại tại thị trường trong nước.
Không những với hàng tiêu dùng, chuyên gia kinh tế này còn chỉ ra hàng phục vụ sản xuất xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của VN, cũng đối diện nguy cơ bị hàng công nghiệp hỗ trợ từ Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp, thay thế tại thị trường nội địa. “Mặt tích cực là chúng ta có cơ hội tiếp cận lượng hàng hóa phong phú, chất lượng trong khối vào VN, tạo sân chơi bình đẳng trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, các nhà sản xuất hàng thời trang trong nước cũng có cơ hội cọ xát, cạnh tranh với hàng ngoại một cách công bằng nếu xác lập được lợi thế. Trong vài năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang áo quần, giày dép trong nước được giới trẻ yêu chuộng. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, với RCEP, tôi lo lắng cho thị trường nội địa ở nhiều lĩnh vực khác hơn. Ngành công nghiệp hỗ trợ VN còn quá non trẻ, nay muốn vươn lên cũng gặp nhiều khó khăn bởi nguyên phụ liệu, linh kiện, thiết bị… từ các nước”, bà nói và lo ngại: “Nguy cơ chúng ta mãi lẹt đẹt ở mức gia công, lao động giá rẻ với giá trị gia tăng thấp mà thôi”.
Vì thế, bà Phạm Chi Lan khuyến cáo doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng tự lực tự cường nhiều hơn.
M.Phương