Vietstock - Cơ hội từ siêu hiệp định lớn nhất thế giới
Từ ngày 1.1.2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực với 15 nước thành viên tham gia. Các hoạt động thương mại, giao thương của VN sẽ ngày càng được mở rộng hơn với thị trường có dân số gần 2,7 tỉ người.
RCEP được gọi là siêu hiệp định bởi quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Kỳ vọng cho trái cây, thủy sản
Với VN, hiệp định này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh những ngày cuối năm 2021, việc Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu thanh long từ VN khiến hơn 10.000 tấn trái cây này phải đổ về thị trường nội địa.
Có nhiều đối tác trong RCEP mà VN vẫn đang nhập siêu quá lớn thì về dài hạn, DN cần xây dựng thương hiệu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong một thị trường rộng lớn hơn. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành |
Đó là chưa kể hàng ngàn tấn rau quả khác từ VN như mít, chôm chôm vẫn đang đổ đống trong kho, ngoài đồng và cả lề đường chờ tiêu thụ. Nhưng đây không phải lần đầu tiên nông sản VN bị dội ở cửa khẩu với Trung Quốc. Tình trạng này vẫn lặp lại thường xuyên trong nhiều năm qua. Hằng năm, có khoảng 3,5 triệu tấn trái cây từ VN xuất sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch, trong khi vẫn còn rất nhiều hàng hóa xuất theo đường tiểu ngạch và có thể bị ngừng bất kỳ lúc nào.
Nhiều hàng hóa VN có thể gia tăng xuất khẩu khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Đào Ngọc Thạch |
Chính vì vậy, khi Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng số lượng trái cây của VN có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ổn định hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vina T&T Group, cho biết hiện mới chỉ có 9 loại quả tươi của VN được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt. Trong đó mít, thanh long, dưa hấu, chuối… vẫn còn xuất tiểu ngạch với khối lượng lớn.
Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. PHẠM HÙNG |
Thế nên, riêng 9 loại trái cây này được chuyển hết sang chính ngạch, lượng trái cây VN xuất sang Trung Quốc vẫn bảo đảm tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, nông sản Việt cũng đang thâm nhập các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Úc, New Zealand nên sắp tới, cơ hội này sẽ được thúc đẩy nhiều hơn.
Muốn vậy, ông Tùng cho rằng DN và nhà nông phải kết nối, hỗ trợ, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thì mới thắng được trong thị trường lớn này. Ông Tùng nhấn mạnh: “Mấu chốt để tăng tốc xuất khẩu nông sản là phải đàm phán và đàm phán nhiều hơn nữa. Hiện tại, Trung Quốc chưa đồng ý cho trái sầu riêng VN vào chính ngạch, trong khi sầu riêng của Thái bán vào thị trường này với khối lượng rất lớn. Qua quan sát, sản lượng trồng sầu riêng tại VN từ miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ lên Tây nguyên tăng rất mạnh. Nếu không nỗ lực đàm phán, tìm đầu ra xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và nhiều mặt hàng trái cây ngon của chúng ta sang các thị trường khác thì sẽ rất thiệt thòi cho VN. RCEP chỉ được khai thác tốt nhất khi nhiều mặt hàng trái cây VN được nhiều thị trường công nhận”.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, hồ hởi cho biết sẽ nghiên cứu kỹ để mở rộng thị trường nếu có cơ hội. Hiện tại, công ty xuất gạo thơm cao cấp bằng thương hiệu riêng sang thị trường Hồng Kông, Úc, Canada… Cỏ May cũng là DN xuất khẩu tiểu ngạch hàng cá tra sang Trung Quốc. Công ty đang tính toán để chuyển dần sang giao dịch chính ngạch và quan trọng hơn là mở rộng thêm thị trường mới trong năm nay.
“Thực tế, năng lực thương mại quốc tế của chúng tôi còn hạn chế, đa số hàng xuất đi đều từ phía đối tác tìm đến đặt hàng. Chúng tôi có hàng tốt, chất lượng và sản lượng đủ mới dám bán. Còn không thì từ chối bởi ngại ảnh hưởng thương hiệu. Cơ hội từ thị trường trong Hiệp định RCEP khá lớn, chúng tôi hướng đến thị trường khó tính nên cần cẩn trọng và sẽ nghiên cứu kỹ để mở rộng hoạt động xuất khẩu”, ông Phạm Minh Thiện chia sẻ thêm.
Mở rộng ưu đãi
Ngoài mặt hàng nông thủy sản, nhiều sản phẩm của VN như dệt may, da giày, đồ gỗ cũng kỳ vọng có thể gia tăng thêm sự hiện diện vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc bên cạnh các đối tác như Mỹ, EU...
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean - kiêm Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, phân tích trong tất cả hiệp định tự do thương mại (FTA) mà VN đã ký kết từ trước đến nay, quan trọng nhất với DN là quy định về xuất xứ. Khi đáp ứng được quy định này thì hàng hóa mới được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Trong RCEP, quy tắc cộng gộp đang được quy định tương tự với nguyên liệu sản xuất. Theo đó, nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác.
Điều đó có khả năng giúp DN dệt may VN tận dụng được cơ hội đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, New Zealand. Nhiều DN cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu trong khu vực ASEAN. Do đó, ông Việt kỳ vọng với hiệp định mới, năm nay hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 15% với kim ngạch khoảng 42 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới về quy mô nên chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN nói riêng và kinh tế VN nói chung. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là nguyên tắc xuất xứ cộng gộp. Với các hiệp định cũ như ASEAN - Nhật Bản, hay VN - Nhật Bản hoặc CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) giữa 11 nước, trong đó có VN, cả 3 FTA này đều không có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi đây là 2 thị trường cung cấp nguồn nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may.
Thế nên với RCEP, DN trong nước mua nguyên phụ liệu xuất xứ từ Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất sang các thị trường cùng khối như Nhật Bản. Đó là chưa kể trong tương lai, quy tắc cộng gộp của RCEP có thể được mở rộng phạm vi. Cụ thể, các nước thành viên sẽ tiến hành rà soát lại cam kết về quy tắc cộng gộp với mục tiêu cân nhắc để mở rộng áp dụng quy tắc cộng gộp không chỉ với nguyên liệu mà còn đối với công đoạn sản xuất và cộng gộp bất kỳ giá trị gia tăng nào của hàng hóa tạo ra tại các nước thành viên hiệp định (cộng gộp toàn phần).
“Doanh nghiệp hãy nghiên cứu kỹ RCEP để tận dụng tốt nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong ngắn hạn nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nhưng có nhiều đối tác trong RCEP mà VN vẫn đang nhập siêu quá lớn thì về dài hạn, DN cần xây dựng thương hiệu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong một thị trường rộng lớn hơn”, chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu
Hàng hóa từ VN sẽ ngày càng có cơ hội vươn ra nhiều nước trên thế giới nhưng áp lực cho các DN cũng sẽ gia tăng.
Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu hàng da giày cho rằng trước đây, hàng hóa VN xuất sang Nhật Bản có ưu thế hơn với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc do nước này và Nhật Bản chưa có các hiệp định song phương. Nhưng thông qua RCEP, những sản phẩm của Trung Quốc cũng có cơ hội thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản.
Do đó, cơ hội tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu không phải đến cho nhiều công ty mà chỉ có thể diễn ra với các DN muốn tìm kiếm thị trường mới như Úc, New Zealand. Nhưng không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Trung Quốc mà ngay cả từ các nước ASEAN, mức độ “đối đầu” này cũng gia tăng. Vì thế, vị đại diện DN trên cho rằng chưa thể vội mừng mà phải cẩn trọng nghiên cứu và quan trọng nhất là nâng cao năng lực nội tại, đảm bảo cho hàng hóa đủ sức cạnh tranh ở nhiều cấp độ.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nhận xét về cơ bản, RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, DN tất nhiên phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng tham gia vào môi trường cạnh tranh đó. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Với các thị trường này, trước đây, qua quan sát cho thấy chúng ta chưa có tính chủ động cao. Đa số ngồi chờ khách hàng tìm đến thì nay để tận dụng được Hiệp định RCEP, bắt buộc doanh nghiệp phải chủ động nhiều hơn nữa. Tính chủ động cũng phải từ các cơ quan nhà nước, cần hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp những mặt hàng, đặc tính thị trường, nhu cầu… mà họ có thể tận dụng được. Chỉ có chủ động thì chúng ta mới khai thác hiệu quả thị trường lớn tiềm năng này”.
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định cơ hội xuất khẩu sẽ không dễ dàng hơn nhiều. Chẳng hạn, xuất sang Trung Quốc, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, nhưng hệ thống phân phối ở nước này rất khó vào. Họ vẫn có chính sách hạn chế nhập khẩu hàng cùng loại để bảo vệ hàng nội địa. Nhật Bản vẫn có quyền đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường, hàm lượng dư lượng hóa chất riêng theo quy định của họ. Vì vậy, hàng VN phải nỗ lực nhiều hơn. Hay với thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…, tuy một số mặt hàng trái cây VN đã được các thị trường này phê duyệt hay chấp nhận, nhưng nói để gia tăng thêm các sản phẩm khác là điều không dễ do nhiều tiêu chuẩn khắt khe.
Đa phương hóa các hiệp định tự do thương mại Theo Bộ Công thương, Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa những cam kết, quy định trong các hiệp định này; tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật. Với một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, RCEP sẽ mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030. |
Nguyên Nga