Vietstock - Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới
Theo chuyên gia, năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng hơn rất nhiều, nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ.
Bức tranh sáng, tối đan xen
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam năm 2021, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá, đây là một năm rất khó khăn với nền kinh tế Việt Nam và với các doanh nghiệp. Vấn đề này, nhiều nhà kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã cảm nhận cũng như chứng kiến; đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, khi nhìn vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế sát với diễn biến của dịch bệnh và tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...
Năm 2021 là một trong 6 năm có kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất (ảnh minh hoạ)
|
“Tuy nhiên, khi nhìn vào chi tiết, thì cũng có những điểm sáng "cứu" nền kinh tế như xuất nhập khẩu, hay duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp và một số các hoạt động có sự phát triển như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính ngân hàng, chứng khoán. Dù có những sự bù đắp cho các thiệt hại, song vẫn phải nhìn nhận một cách chung rằng, năm 2021 là một năm thực sự khó khăn”, ông Hiếu cho biết.
Còn theo PGS (HN:PGS).TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bức tranh kinh tế Việt Nam 2021 có những gam màu sáng - tối khác nhau. Khi nhìn nhận một cách tổng quan nhất về bức tranh này, mảng tối lớn nhất đó là, chưa bao giờ tăng trưởng trong một nền kinh tế lại âm, đặc biệt trong quý 3/2021, tăng trưởng âm 6,17%; Tại một thành phố đầu tàu kinh tế cả nước là TP Hồ Chí Minh, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế âm rất lớn tới - 24,9%.
Với những thách thức và khó khăn đó, nhờ sự điều hành của Chính phủ cũng dẫn đến những gam màu sáng như: dịch bệnh về cơ bản đã kiểm soát được, đưa toàn bộ nền kinh tế quý 3 tăng trưởng âm trở thành tăng trưởng dương trong quý 4, mà đây là điều rất đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát lạm phát rất tốt, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Đây là một trong 6 năm có kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất. Hay một gam sáng nữa mà chúng ta đáng ghi nhận đó là đầu tư của FDI trực tiếp bắt đầu phục hồi, tăng 9,2% so với năm 2020 và xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 668,5 tỷ USD; riêng xuất khẩu là 336,25 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước là 19% và nhập khẩu tăng 332 tỷ USD, tăng 26,5%.
Về vấn đề tỷ giá thì tương đối ổn định. Thực tế, tính trong năm 2021, đồng VND (HM:VND) đã tăng giá khoảng 1,2% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và mức lãi suất duy trì ở mức tương đối thấp, lãi suất cho vay giảm vào khoảng 0,8%. Đó chính là điều nổi bật tạo điều kiện cho phục hồi phát triển kinh tế.
“Ngoài ra, chuyển động số phát triển rất mạnh, cộng với cả hội nhập kinh tế, cũng như công tác đối ngoại đạt được những kết quả tốt. Như vậy để thấy rằng, mặc dù với những khó khăn và thách thức chưa từng có trong năm 2021, thì vẫn có những dấu ấn đáng ghi nhận về mặt kinh tế”, vị chuyên gia đánh giá.
Lạc quan một cách có cơ sở
Dự báo kinh tế cho năm 2022, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ sự lạc quan và cho rằng điều này hoàn toàn có cơ sở, chứ không lạc quan quá mức. Theo ông Hiếu, kèm theo những cơ hội thuận lợi luôn luôn là những thách thức và những thuận lợi thì cũng kèm theo cả những điều kiện, để chúng ta hình dung được, liệu những điều kiện, cơ hội có thể biến thành thực tế hay không.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng hơn rất nhiều, nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả (ảnh minh họa)
|
Về con số dự đoán tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, thì trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, mong muốn của Chính phủ đặt mục tiêu là vào khoảng 6-6,5%. Cũng có nhiều chuyên gia đã đưa ra các dự báo khác nhau, với sự lạc quan hơn là 7% và ít lạc quan hơn là 6%.
Qua đợt tác động của dịch bệnh vừa qua, dự báo chỉ đúng là dự báo, thậm chí trong lịch sử, chưa bao giờ các tổ chức quốc tế lại thay đổi liên tục các dự báo về tăng trưởng như vây. Vì thế rất khó để đoán chính xác, nhưng cũng có một số cơ sở như sau để tiên đoán về nền kinh tế trong năm tới:
Thứ nhất, là kinh nghiệm về kiểm soát dịch bệnh, những bất cập trước đây có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, thì nay chúng ra đã rút ra được các bài học, để có cách thức tốt hơn. Chúng ta cũng có nền tảng y tế tốt hơn với độ che phủ vaccine cao. Dù dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến khó lường, nhưng trong năm 2022 này, chúng ta sẽ kiểm soát tốt và tìm được điểm cân bằng hơn, đồng thời đó cũng là yêu cầu tiên quyết, nếu không sẽ rất khó để có được sự tăng trưởng tốt.
Thứ hai, là Quốc hội, Chính phủ cũng có rất nhiều nỗ lực, chưa lúc nào doanh nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm liên tục như lúc này. Chúng ta biết rằng, Quốc hội đã tổ chức một kỳ họp bất thường thông qua gói chính sách tài khóa - tiền tệ ước tính quy mô khoảng 347.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, với mong muốn hỗ trợ bổ sung ở rất nhiều nội dung.
“Theo quan sát của tôi, cho đến nay, giới chuyên gia và doanh nghiệp đều đánh giá cao chính sách hỗ trợ này. Ví dụ, việc giảm thuế VAT mà rất nhiều người nói rằng mức giảm 2% là chưa đủ để kích thích người tiêu dùng như một số thông tin đưa ra. Nhưng nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp là người mua hàng thì 2% thực sự là con số rất lớn, tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho doanh nghiệp, chứ không phải chỉ nhìn vào người tiêu dùng là người dân”, ông Hiếu phân tích.
Thứ ba, là cơ hội của Việt Nam khi có chiến lược phát triển kinh tế mới do Đại hội Đảng ban hành và các kết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, cùng một loạt các chính sách, biện pháp để cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như nhấn mạnh rất nhiều đến các nhóm biện pháp như cải cách thể chế, liên kết kinh tế, liên kết vùng,...
“Với những cơ sở như vậy, năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng hơn rất nhiều, nhưng phải kèm theo một số thách thức và điều kiện, vì cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ của Quốc hội, chính sách tài khóa vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ”, ông Hiếu bày tỏ.
Chia sẻ về các nhận định của mình, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, về tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đưa ra hai phương án như sau: thứ nhất, nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh, thì khả năng phục hồi, phát triển nền kinh tế ở mức từ 6,5 - 7%. Thứ hai, nếu việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh thực hiện chậm, chưa thực sự có hiệu quả, thì tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2022 chỉ từ 5-5,5%.
Về chỉ số kiểm soát lạm phát, Quốc hội cũng đưa ra chỉ tiêu đó là dưới 4%, tốc độ tăng giá bình quân dưới 4% cũng là một sự cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng của Quốc hội. Tuy nhiên để thực hiện kiểm soát lạm phát với chỉ tiêu như vậy thì cũng không hề đơn giản, trong khi giá cả hàng hóa thế giới vẫn đang tăng ở mức độ cao, lạm phát và chi phí đẩy sẽ tăng. Mặt khác, đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa cầu kéo, độ trễ của chính sách tài khóa để phục hồi nền kinh tế và chính sách tài khóa - tiền tệ mở rộng có nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát.
“Mức độ lạm phát khoảng bao nhiêu, thì nhiều tổ chức trong nước cũng như thế giới có dự báo khác nhau, nhưng hầu hết đều thừa nhận Việt Nam có khả năng kiểm soát được và chúng ta sẽ kiểm soát lạm phát ở mức khoảng từ 3,5 - 3,8%”, vị chuyên gia dự báo.
Cũng theo chuyên gia, về lãi suất, với sự điều hành của NHNN hết sức linh hoạt, chủ động, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tài chính tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ tài khóa, cho nên dự báo về mức lãi suất sẽ duy trì ở mức độ thấp, nhưng tất nhiên sẽ có những thời điểm tăng nhẹ.
“Còn vấn đề về tỷ giá, dự kiến trong năm 2022, tỷ giá sẽ tăng từ 0,5 -1%, do sự phục hồi kinh tế; hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất; đồng thời dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức tương đối cao và cán cân thương mại thặng dư; ngoài ra, kiều hối sẽ tiếp tục được gửi về rất lớn... Với những yếu tố đó, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định nhưng tăng ở mức nhẹ”, PGS.TS. Ngô Trí Long giải thích.
Diễm Ngọc