Vietstock - 'Cò' bảo hiểm ăn chặn tiền của người thất nghiệp
Nhân viên một cửa hàng photo trên địa bàn TP.HCM ngang nhiên lôi kéo khách vào nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp , rồi thu tiền trái phép, trong khi đó ngay trước cổng Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM “cò” cũng công khai chèo kéo người thất nghiệp.
“Họ làm thất đức quá!”
Đầu tháng 8.2022, phản ánh qua đường dây nóng của Báo Thanh Niên, anh P.H (ngụ Q.6) bức xúc: “Tôi vừa nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và bị thu phí 100.000 đồng/hồ sơ. Tôi thấy những người khác cũng phải đóng với số tiền như vậy. Về nhà, tôi tìm hiểu lại thì đúng ra không phải đóng phí gì, họ đã tự ý thu tiền và không có biên lai chứng từ gì cả”.
Ông K. (khoảng 40 tuổi) nhận hồ sơ TCTN và ra giá tiền phí phải đóng là 100.000 đồng |
Cũng theo anh H., chỗ nộp hồ sơ không phải trụ sở Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) Q.6 thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM của Sở
LĐ-TB-XH TP (địa chỉ 743/34 Hồng Bàng, P.6, Q.6), nhưng do ở đầu hẻm và luôn có bảo vệ đứng chặn xe, ai đi ngang sẽ nói nếu nộp hồ sơ nhận TCTN thì quẹo vô nên nhiều người bị lừa. “Chỗ đó thực chất là 1 tiệm photo nhưng “mạo danh” là trụ sở BHTN”, anh H. kể và bức xúc cho biết, nếu lợi dụng người lao động (NLĐ) thất nghiệp đang khốn khó để trục lợi thì quá thất đức.
Để làm rõ nội dung phản ánh của bạn đọc, khoảng 11 giờ ngày 25.8, phóng viên trong vai người đi nộp hồ sơ nhận TCTN, vừa chạy xe vào hẻm 743 Hồng Bàng thì liền được người đàn ông mặc trang phục bảo vệ ngoắc tay, dò hỏi: “Nộp hồ sơ thất nghiệp hả? Nếu nộp thì vào nộp nhanh đi chứ hết giờ hành chính”. PV vào trong, được người đàn ông khác (khoảng 40 tuổi) thúc giục: “Mang giày vô luôn đi em. Nhanh đi chứ hết giờ bây giờ. Giấy tờ gồm sổ BHXH, quyết định thôi việc và CMND”. Nghe chúng tôi nói chỉ đến hỏi trước chứ chưa mang theo giấy tờ thì người đàn ông liền nhắc kỹ lại các loại giấy tờ trên, rồi hẹn đầu giờ chiều quay lại. “Chỉ nhận hồ sơ trong giờ hành chính”, người này nói và cho biết, phí nộp hồ sơ là 100.000 đồng/bộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người đàn ông nói trên tên K., đã mở dịch vụ nhận hồ sơ, thu tiền của khách từ nhiều tháng nay.
Người lao động ghi thông tin tại tiệm photo của ông K. |
Ăn chặn tiền triệu mỗi ngày
Khoảng 10 giờ ngày 5.9, chúng tôi tiếp tục có mặt tại địa chỉ trên để ghi nhận số lượng khách vào nộp hồ sơ. Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ (từ 10 - 11 giờ), chúng tôi phát hiện có khoảng 25 trường hợp vào nộp hồ sơ nhận TCTN. Trong đó, một số trường hợp thừa nhận “vào đây nộp cho nhanh”; nhưng cũng có trường hợp lầm tưởng tiệm photo chính là... cơ quan nhà nước. “Vì địa chỉ nằm trong hẻm nên khi đang ngơ ngác dò đường, được ông bảo vệ kêu vào nên tôi cứ tưởng đó là nơi nhận hồ sơ TCTN. Vào trong tiệm photo lại được người đàn ông khác hướng dẫn chi tiết khiến tôi chả mảy may nghi ngờ gì. Chỉ đến khi bị hét giá 100.000 đồng phí nộp hồ sơ thì tôi mới ngớ người, hỏi ra mới biết họ “ăn” tiền dịch vụ”, ông V. (khoảng 40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) bức xúc.
Nhiều ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục đến ghi nhận về số lượng người vào nộp hồ sơ tại tiệm photo trên và chứng kiến khách lúc nào cũng đông đúc. Trong khoảng từ 30 phút - 1 giờ, trung bình có trên dưới 20 người “dính bẫy”. Với 100.000 đồng/hồ sơ, số tiền nhóm người “tận thu” từ NLĐ thất nghiệp lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
“Cò” P. (phải, khoảng 55 tuổi) mời chào dịch vụ nộp hồ sơ nhận TCTN với giá 100.000 đồng/hồ sơ |
Từng làm bảo vệ “kiêm” lôi kéo khách vào nộp hồ sơ, thu tiền ở tiệm photo nói trên, bà D. (khoảng 40 tuổi, ngụ Q.6) cho hay số tiền mà người đàn ông tên K., là chủ tiệm, thu được có khi cả chục triệu đồng mỗi ngày.
“Ông K. thuê mặt bằng rồi làm dịch vụ chứ không phải người của cơ quan nhà nước. Vô đó sẽ được ông hướng dẫn điền thông tin, photo giấy tờ này kia rồi “ăn” với giá 100.000 đồng/hồ sơ”, bà D. kể.
Bà D. khẳng định, tình trạng này diễn ra xuyên suốt từ cuối năm 2021 đến nay: “Lúc dịch bệnh, ông K. nhận hồ sơ rồi “ăn” 100.000 đồng của người thất nghiệp. Bây giờ vẫn ăn 100.000 đồng nhưng có nhiều cái khó nói lắm. Ổng vẫn “ăn” 100.000 đồng nhưng phải mất công đưa hồ sơ vô trong trung tâm”.
Dù “lên án” tiệm photo ăn chặn tiền của người thất nghiệp, nhưng cũng chính bà D. khi PV trong vai khách đến nộp hồ sơ nhận TCTN trước đó đã chèo kéo: “Nộp hồ sơ bên chị thì sẽ được giải quyết nhanh chóng, khỏi lo trễ thời hạn. Vì “làm ăn” phải có quen biết với phía trung tâm hết!”.
Người bảo vệ (trái) túc trực trước tiệm photo để lôi kéo người dân vào nộp hồ sơ |
“Cò” bát nháo trước cổng trung tâm dịch vụ việc làm
Khoảng 16 giờ ngày 6.9, trong vai NLĐ đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Q.Bình Thạnh) nộp hồ sơ nhận TCTN, chúng tôi liền bị “cò” chèo kéo nộp hồ sơ và báo giá 100.000 đồng/hồ sơ. “Chú làm ở đây nhiều năm rồi. Bình thường vô đó phải bốc số thứ tự đợi lâu lắm. Mình “quen biết” nên sẽ làm nhanh chóng hơn. Chú hướng dẫn nên phải có “ly cà phê”, còn người hỗ trợ từ trung tâm cũng có... đĩa cơm, khách thì được làm nhanh chóng, ai cũng có lợi cả!”, “cò” P. (khoảng 55 tuổi) chào mời.
Trong vai người lao động bị chèo kéo nộp hồ sơ tại tiệm photo (743/6 Hồng Bàng), chúng tôi được nhân viên giữ xe của Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Q.6 (743/34 Hồng Bàng) cảnh báo: “Đừng có vô đó nộp, tốn phí dịch vụ đó. Trước đây có người nộp ở đó và sau đó không nhận được tiền TCTN. Họ vô đây phản ánh nhưng nếu nộp hồ sơ chỗ khác thì bên trung tâm đâu chịu trách nhiệm. Nói chung nộp hồ sơ cho tư nhân thì không đảm bảo hồ sơ đến đúng địa chỉ được. Lỡ trục trặc gì cũng chẳng biết ai mà truy trách nhiệm!”. |
Để khẳng định uy tín, P. móc điện thoại gọi cho “Tan BH”, người được cho là nhân viên của trung tâm, để hỏi còn số thứ tự không, thì được trả lời hôm nay đã hết suất. “Sáng hôm sau đến đây rồi gọi để chú hướng dẫn cho, tiền công là 100.000 đồng/hồ sơ”, “cò” P. nói. Trong lúc chào mời PV, “cò” P. liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng để hỏi các giấy tờ liên quan hồ sơ nhận TCTN. “Cò” P. khoe: “Thấy chưa, khách của chú nhiều lắm. Bình thường vô trung tâm đâu có ai hướng dẫn, thiếu giấy tờ hay điền thông tin sai lên sai xuống mệt lắm. Làm qua dịch vụ thì nhanh chóng, tiền bạc cũng rẻ bèo”.
Đáng chú ý, trong quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên được một nhân viên bảo vệ của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM chia sẻ những đối tượng “cò” nhận hồ sơ TCTN đã hoạt động trước cổng trung tâm nhiều năm nay. Khi người dân đến hỏi địa chỉ nộp hồ sơ, nếu bảo vệ nhắc nhở không làm qua “cò” kẻo mất phí, thì liền bị đe dọa. “Nhóm “cò” giang hồ dữ lắm. Tôi bị dọa đánh mấy lần nên không dám nhắc nhở người dân tránh xa họ nữa”, nhân viên bảo vệ bức xúc.