"Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay. Tại phiên tranh biện Nhận diện chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển tình thế của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam nhận định rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành dự báo, tăng trưởng quý 1/2023 sẽ kém tích cực và quý 2 vẫn tiếp tục khó khăn song "khe cửa hẹp” để Việt Nam có thể đổi chiều chính sách rơi vào giữa năm 2023. Nguyên nhân là do Fed được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và có thể tăng ba lần nữa.
"Chúng ta cùng nín thở chờ Mỹ công bố số liệu lạm phát vào hai ngày nữa. Nếu tháng 11, lạm phát của Mỹ là 7,1% thì tháng 12, các chuyên gia đang dự báo rằng, lạm phát có thể sẽ giảm xuống 6,6-6,5%. Nếu điều này là sự thật, có khả năng, Fed chỉ tăng 0,25 điểm %, thay vì 0,5 điểm % trong đợt tăng lãi suất tháng 2/2023", ông Thành phân tích.
Còn 2 lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5-5,25% cho đến cuối năm 2023.
"Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành |
"Chúng ta hay nói ổn định vĩ mô nhưng ổn định vĩ mô như thế nào khi mà lãi suất thực hiện nay rất cao. Nếu duy trì mức này cả năm sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp, vì vậy "khe cửa hẹp" vào tháng 5 là cơ hội để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi. Đây cũng là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Theo ông Thành, tác động thứ 2 để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là Trung Quốc, kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi quốc gia này mở cửa.
“Năm 2021 khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch Covid-19, chúng ta gặp sự hỗn loạn ban đầu, chính sách có thử và sai. Do đó, quý 1 ở Trung Quốc có rơi hỗn loạn nhưng khoảng tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Thành chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, dưới tác động của Hoa Kỳ và Trung Quốc thì cần nhấn mạnh tính chủ động của Việt Nam.