Vietstock - Chuyên gia EVN: Điều hòa giảm 1 độ, điện năng tiêu thụ tăng 3%
Ngành điện dự báo tình hình thời tiết năm 2024 nhiều khả năng sẽ rất khắc nghiệt. Đặc biệt là trong các tháng nắng nóng cao điểm, việc điều kiện thủy văn đi xuống kèm nhu cầu sử dụng điện tăng vọt sẽ tạo áp lực đến khả năng cung ứng điện của hệ thống. Bởi vậy, cần sự chung tay của các khách hàng – cả doanh nghiệp sản xuất lẫn khối khách hàng sinh hoạt. Và một trong những thiết bị cần phải sử dụng đúng cách là điều hòa.
Tại tọa đàm “Cung ứng điện cao điểm mùa khô 2024” diễn ra vào chiều ngày 08/04, ông Nguyễn Quốc Dũng – trưởng ban kinh doanh EVN cho biết chính sách tiết kiệm điện hiện tại có vai trò rất quan trọng, là chính sách nhất quán, liên tục của quốc gia. Việc thực hiện tốt chính sách cho tác động lớn đến nền kinh tế và chi phí cho từng hộ gia đình, trong khi các doanh nghiệp có thể giảm giá thành sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh trên nội địa và quốc tế. Quan trọng nhất là giảm áp lực cho hệ thống cung cấp điện, đặc biệt là những tháng nắng nóng cao điểm.
“Với hệ thống điện, khi giảm tiêu thụ trong các mùa cao điểm sẽ đảm bảo cân đối cung cầu, giảm nguy cơ sự cố, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho cung ứng xã hội. Hệ thống điện cũng không phải huy động các nguồn điện giá thành cao, đỡ tạo áp lực lên giá điện” – theo ông Dũng.
, ông Nguyễn Quốc Dũng – trưởng ban kinh doanh EVN
|
Một chiếc máy lạnh có thể khiến hóa đơn tăng bao nhiêu tiền?
Ông Dũng nhận định, các thiết bị không phải máy lạnh có thể sử dụng thoải mái, quanh năm, và việc việc hình thành thói quen tiết kiệm với các thiết bị này dường như đã có từ lâu. Nhưng với máy lạnh, tần suất sử dụng nhiều nhất là mùa nắng nóng, đôi khi kéo dài 3-5 tháng. Cũng vì sử dụng không liên tục, người dùng đôi khi quên mất kỹ năng tiết kiệm điện, trong khi đây là thành phần phụ tải công suất lớn, tiêu thụ điện năng nhiều.
“Giả dụ 1 hộ gia đình dùng 200 số điện mỗi tháng. Khi dùng thêm máy lạnh, tiền điện sẽ được cộng vào các bậc giá điện sau, nên sẽ tăng lên rất nhiều. Đôi khi, chúng ta chỉ cảm nhận được khi đóng tiền hóa đơn” – ông Dũng nhận xét.
Theo ông Dũng, máy lạnh hay máy điều hòa không khí có thể chiếm 50% - 70% tổng nhu cầu sử dụng điện của 1 hộ gia định. Như 1 máy lạnh 12,000 BTU, công suất rơi vào khoảng 1.2 kWh. Nếu mỗi ngày dùng 8h, trong 1 tháng sẽ hết khoảng 288 số điện.
“Chúng tôi tính thử với các gia đình dùng ít điện với giá tính từ bậc 2 trở xuống, thì có thêm máy lạnh sẽ dùng đến bậc 3, bậc 4. Mỗi tháng riêng cái máy lạnh đã phải chi trả thêm 644,000 đồng khi áp biểu giá bậc 3.
Còn với các hộ đã dùng ở bậc 5, toàn bộ điện năng này sẽ được tính với giá bậc 6, và mỗi tháng phải thanh toán thêm khoảng 907,000 đồng, là một con số đáng kể”.
Ông Dũng cho biết, EVN đã thực hiện so sánh lượng điện tiêu thụ theo một số khu vực dân cư và thời điểm sử dụng trong năm.
“Lấy theo số tháng 7 - lúc mọi người dùng máy lạnh rất nhiều, so sánh với tháng 11 – thời điểm mát mẻ hơn. Theo đó, sản lượng điện với nhóm khách hàng thuộc khối sinh hoạt tăng khoảng 29% tại tháng 7. Chi phí tiền điện như vậy tăng thêm 38%”.
Sự so sánh tương tự áp dụng ở Hà Nội, sản lượng điện tăng tới 38%, tiền điện tăng thêm 85%.
“Rõ ràng, đây là thành phần phụ tải lớn, ảnh hưởng đến các hộ sử dụng điện khi phải thanh toán hóa đơn, đồng thời tạo áp lực rất lớn cho hệ thống” – ông Dũng kết luận.
Rõ ràng, đây là thành phần phụ tải lớn, ảnh hưởng đến các hộ sử dụng điện khi phải thanh toán hóa đơn, đồng thời tạo áp lực rất lớn cho hệ thống.
Vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng máy lạnh hiệu quả, tiết kiệm?
Sử dụng máy lạnh đúng cách để chia sẻ với ngành điện
Làm sao để tiết kiệm nhiều tiền, tăng hiệu quả thiết bị. Theo ông Dũng, có một số giải pháp có thể giúp người dân sử dụng điều hòa hiệu quả, qua đó trực tiếp giảm được chi phí hóa đơn tiền điện.
Đầu tiên là lựa chọn thiết bị. Ông Dũng cho biết, người dân nên chọn các loại điều hòa công nghệ mới, có dán nhãn inverter, tiết kiệm năng lượng. Các loại thiết bị như vậy, theo ông Dũng, có thể giảm được 15% - 30% chi phí tiền điện.
Thứ 2 là vệ sinh định kỳ - việc rất quan trọng vì giúp nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị lạnh, qua đó làm giảm chi phí tiền điện. Ông Dũng cho biết, người dùng nên vệ sinh máy lạnh từ 3-6 tháng/lần. Có thể giảm được 10% - 15% tiền điện nhờ việc này.
Thứ 3 là cách sử dụng máy lạnh. “Chúng ta nên sử dụng 26-27 độ trở lên (ban ngày), và trên 27 độ vào ban đêm. Đây là mức đảm bảo sinh hoạt bình thường, dễ chịu mà không gây tốn kém” – ông nói thêm. "Bởi lẽ, cứ mỗi nhiệt độ giảm xuống của điều hòa (ví dụ 26 độ xuống 25 độ), điện năng tiêu thụ tăng lên 3%, là một con số rất lớn".
“Nếu sử dụng đúng cách, sẽ mang lại lợi ích lâu dài với các hộ gia đình và xã hội” – ông Dũng kết luận.
Châu An