Vietstock - Chủ tịch VITAS: Dệt may Việt cần chuyển trọng tâm khai thác thị trường nội địa trong năm 2023
10 tháng đầu năm 2022, toàn ngành dệt may xuất khẩu gần 38 tỷ USD, tăng 17.2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngành dệt may dự kiến giữ mức tăng trưởng cả năm với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3.8% so với năm 2021.
Đây là những chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tại cuộc họp báo Hội nghị tổng kết năm 2022 diễn ra ngày 18/11.
Ông Giang cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ trong 10 tháng qua. Số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47 - 50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại.
Mặc dù giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…
Trước những khó khăn đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm vẫn giữ mức 42 tỷ USD, tăng 3.8% so với năm 2021.
Đánh giá triển vọng năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025, ông Giang cho biết dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.
“Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này.
Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia. Mục tiêu từ nay tới năm 2025, sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới”, ông Giang cho hay.
Thế Mạnh