Vietstock - Chi càng nhiều thì mối lo càng lớn
Trong giai đoạn 2021-2025 Việt Nam dự kiến chi 2,75 triệu tỉ đồng cho đầu tư công, tương đương 118 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện hành, tăng tới 750.000 tỉ đồng so với giai đoạn 5 năm trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội. Cần biết rằng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân được trong gần năm năm qua, từ năm 2016 đến hết tháng 9-2020, giai đoạn thu hút FDI thành công nhất từ trước tới nay, cũng chỉ xấp xỉ 94 tỉ đô la Mỹ.
Mức dự chi cho đầu tư công kể trên là rất lớn, nếu sử dụng hiệu quả sẽ tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng, còn ngược lại thì đây rất có thể là rủi ro tạo ra gánh nặng nợ cho cả nền kinh tế. Là động lực tăng trưởng hay là tai họa nợ nần hoàn toàn phụ thuộc vào những người ra quyết định đầu tư ở các bộ, ngành và địa phương.
Để có thể khai thác hết hiệu quả của nguồn đầu tư trên, việc trước tiên Chính phủ phải giải quyết là tình trạng giải ngân đầu tư công đã trì trệ kéo dài trong gần bốn năm qua.
Nhưng đáng lo nhất vẫn là hiệu quả đầu tư và khả năng kiểm soát để ngăn chặn tận gốc tham nhũng và lãng phí, một căn bệnh mãn tính mà tới nay vẫn chưa có phương thuốc nào hữu hiệu.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Tiền ngân sách chi ra để đầu tư, suy cho cùng, cũng là tiền Chính phủ phải đi vay nợ và sẽ phải trả lại cả gốc và lãi. Vì vậy, mỗi đồng tiền chi ra phải bảo đảm sẽ đem lại cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đầu tư công là các ngành then chốt, các dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số. Cụ thể hơn là sẽ hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy trong hàng chục ngàn dự án được rót vốn đầu tư công không phải dự án nào cũng là “then chốt”, là “quan trọng” ở tầm mức quốc gia hay địa phương. Các công trình kiểu như những cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài, bảo tàng... có mức chi tiêu đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng xuất hiện không ít trong những năm qua khó có thể nói là tạo ra cơ hội phát triển kinh tế hay nâng cao mức sống của người dân địa phương.
Ngay cả các công trình được xem là cần thiết như cơ sở hạ tầng giao thông, liệu hiệu quả về kinh tế - xã hội có phải là tiêu chí ưu tiên số 1 để ngân sách rót vốn, hay nó còn đứng sau những mục tiêu phi kinh tế nào khác? Từ thực tiễn đã qua, không khó để trả lời câu hỏi này.
Một câu hỏi nữa là bao nhiêu trong số 2,75 triệu tỉ đồng thực sự đi vào các công trình ích nước lợi dân, còn bao nhiêu sẽ chạy vào túi của bọn tham nhũng, nhóm lợi ích? Nếu chỉ thất thoát 1% thôi thì đó đã là con số khổng lồ 27.500 tỉ đồng, nhưng nguy cơ không chỉ có 1% mà có thể lớn hơn rất nhiều. Cứ nhìn vào con số thiệt hại của những vụ tham nhũng bị lôi ra ánh sáng thời gian qua thì sẽ rõ.
Để khắc phục phần nào nguy cơ này, mong rằng Chính phủ khi giao vốn đồng thời cũng bắt buộc các bộ, ngành và địa phương phải công bố công khai luôn toàn bộ danh mục các dự án, danh mục chi tiêu để người dân có cơ hội thực hiện quyền giám sát.