Vietstock - Cảnh báo nợ công tăng, áp lực trả nợ ngày càng cao
Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng, tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ.
* Nợ công của Hàn Quốc vượt 1.400 tỷ USD trong năm 2019
* IMF: Nợ công toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 188 ngàn tỷ USD
Chiều ngày 28-5, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2018.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 2,8% GDP
Theo đó, tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017 và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN). Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019). Bội chi NSNN 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 157.886.227 triệu đồng).
Qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, tổng hợp kết quả chính từ 268 BCKT của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.884 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Trong đó, về thu ngân sách, Kiểm toán Nhà nước lưu ý, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 26% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (23,5% GDP), song cơ cấu thu NSNN chuyển dịch chậm. Tỷ lệ thu nội địa năm 2018 đạt 81% tổng thu NSNN tăng so với năm 2017 song chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (84-85%). Tỷ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP thấp hơn mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (khoảng 21% GDP).
Công tác quản lý nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 1,7% so với năm 2017), song nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31-12-2018 là 86.680 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ của năm 2017 và bằng 8% số thực thu NSNN năm 2018, không đạt mức phấn đấu dưới 5% theo Nghị quyết số của Chính phủ, trong đó 49/63 địa phương không đạt mức phấn đấu.
Nợ công bằng 58,3% GDP
Liên quan đến chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.013 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này. Nổi bật là: Cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho Nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập…
Đặc biệt, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, dư nợ công đến 31-12-2018 là 3.232.411 tỷ đồng, bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ 2.767.229 tỷ đồng, bằng 49,9% GDP thực hiện.
Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng, tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN, trong đó chi trả nợ lãi 104.443 tỷ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của NSTW và bằng 68,2% bội chi NSNN năm 2018 – Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc lưu ý.
Anh Phương