Vietstock - Cạn room, bất động sản, chứng khoán loay hoay tìm tiền
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vốn tín dụng hiện nay chỉ chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, còn lại 50% nguồn vốn khác chúng ta cũng phải đa dạng hóa và quan tâm. Thứ nhất là nguồn vốn phát hành trái phiếu; thứ hai là thu hút FDI; thứ ba là nguồn vốn đầu tư tư nhân.
BĐS dòng tiền vào chậm
Trước thời điểm có tin nới room chính thức đưa ra, cả thị trường bất động sản nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Nhiều dự án định rao mở bán, hay tổ chức đấu giá tiếp buộc phải dừng lại "nghe ngóng" tin tức về dòng tiền. Việc giao dịch đất đai tại các thị trường ven đô, các dự án tại các tỉnh thành cũng "khựng" lại. Bản thân các nhà đầu tư cũng "ngập ngừng" cho hay không dám xuống tiền hay thậm chí, sợ cả vay ngân hàng vì lãi suất có xu hướng tăng mạnh.
Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa đánh giá việc mở room này thấp, chứ không nhiều, nên nguồn vốn tới tay được nhà đầu tư hay doanh nghiệp BĐS là khó, nhất là khi vẫn hạn chế cho vay với BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp, trung cấp.
TTCK giảm điểm được cho là do room tín dụng mở ít |
“Mặc dù mở room nhưng lãi suất hiện cũng đã tăng, lãi suất vay BĐS 11-12%, cộng với phí bảo hiểm khoảng 1% nữa; trong khi thị trường BĐS giao dịch chậm, việc tăng giá ít nên nếu vay được để mua BĐS đối với nhà đầu tư hầu như cũng không lời bao nhiêu. Nới room tín dụng chỉ là tín hiệu tốt trong vòng 30-60 ngày còn thị trường BĐS hiện vẫn đang rất khó khăn”, ông Quang nói.
Mổ xẻ kỹ nguồn cơn của BĐS đang thiếu vốn trầm trọng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Việt Nam chỉ ra với Tiền Phong khoảng tháng 10 tới đây rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. “Việc này làm giảm nguồn cung ra thị trường….do dự án dừng lại. Thị trường đã khó khăn do các rào cản của pháp luật rồi đến cả những chủ đầu tư ra khỏi rào cản bắt đầu chạy lại phải dừng lại do trục trặc nguồn vốn”, ông Đính nói.
Chứng khoán buồn ảm đạm
Sau 1 tuần Ngân hàng Nhà nước chính thức nới mức (room) tín dụng, thị trường chứng khoán không ghi nhận diễn biến đáng chú ý, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu nhà băng. Ngay trong ngày 7/9 khi thông tin room tín dụng được công bố, cổ phiếu bị bán mạnh, chứng khoán đỏ rực sàn, áp lực bán cũng lấn át trên toàn thị trường.
Sau đó, thị trường phản ứng khá thờ ơ, khác với những lần trước đây, khi có thông tin về việc nới room, thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực, nhất là nhóm ngân hàng.Hai phiên đầu tuần, thanh khoản thị trường về mức khá thấp, giá trị khớp lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, với việc lô lẻ mới được áp dụng, mọi chùng lại để đánh giá sự thích nghi là khá hợp lý. Thanh khoản thấp kỉ lục trong bối cảnh hiện tại không đáng ngạc nhiên, khi dòng tiền ít và thiếu trên thị trường hiện tại.
“Room tín dụng “nới nhỏ giọt” như cơn mưa rào nhanh giữa nắng hạn kéo dài, mới giải cơn khát cho thị trường tài chính và nền kinh tế, chứ chưa thật sự đủ đô. Ngân hàng Nhà nước vẫn còn những toán tính thận trọng nhất định, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa dừng chu trình thắt chặt tiền tệ”, ông Tuấn nhận định.
Sẽ quay sang TPDN
Là một trong những thị trường vốn quan trọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang gặp khó khăn. Số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN giảm do chờ cơ quan chức năng sửa Nghị định 153. Tại tọa đàm Mục tiêu phát triển thị trường TPDN ngày 13/9, TS Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam cho rằng, xét khía cạnh vĩ mô, quy mô thị trường vốn Việt Nam khoảng 11,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, thị trường TPDN khoảng 40% GDP.
“Tín dụng năm 2022 khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room. Điều này tạo cơ hội cho thị trường TPDN bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn”, ông Trịnh Quang Anh cho biết.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), thị trường TPDN là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường TPDN tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường vô cùng lớn.
“Để tạo điều kiện cho thị trường TPDN phát triển, chúng ta cần tiếp cận theo cách mới bằng việc xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Chúng ta cần có công cụ phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư”, ông Tú Anh kiến nghị.
N. Mai V. Linh Q. Nga