Vietstock - Cần những "quả đấm" để phục hồi kinh tế
TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng cần điều hành theo hướng hiệu quả của nền kinh tế và khi hiệu quả rồi thì những năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi.
Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Đức Kiên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông đánh giá Nghị quyết 11 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN |
- TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Nghị quyết 11/NQ-CP ra đời để triển khai các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và cả của Chính phủ. Lúc đầu dự kiến nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV nhưng do chuẩn bị chưa kịp vì lúc đó chúng ta chưa có phương án tối ưu về mức độ phòng dịch và ứng xử với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhận thức về phòng chống dịch vẫn chưa thống nhất trong xã hội. Nói vậy để thấy rằng ban hành được nghị quyết trong bối cảnh đó là khó khăn như thế nào.
Với tư cách là người nghiên cứu kinh tế vĩ mô, tôi có thể khẳng định Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành thời điểm này là phù hợp với bối cảnh Việt Nam và cả quốc tế. Chúng ta cần những "quả đấm" cho phục hồi kinh tế.
Để phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, trung ương và các địa phương, đặc biệt là TP HCM cần làm gì để tiếp tục là đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước?
- Với TP HCM, chúng ta phải thấy rằng ảnh hưởng của đại dịch là rất nặng nề. Nhưng qua đại dịch cũng nhìn thấy điểm yếu trong mô hình tăng trưởng của chúng ta, đặc biệt là TP HCM.
Điểm mới nhất mà TP HCM đã nhìn ra và chủ động triển khai thông qua tuyên bố của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vào cuối năm 2021 là trong 4 năm còn lại của kế hoạch 5 năm, thành phố sẽ xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ dựa trên kết quả chống dịch.
Khi dịch xảy ra ở Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng ta thực hiện phương thức "1 cung đường 2 điểm đến" trên nền chưa có vắc-xin và phương thức này đã thành công bởi đa số công nhân ở nhà tập thể. Tuy nhiên, ở TP HCM, phát triển nhà ở xã hội những năm qua chưa đạt yêu cầu, công nhân chủ yếu thuê trọ trong khu dân cư nên tỉ lệ lây nhiễm rất cao. Lãnh đạo thành phố đã nhìn ra điều đó và đưa ra mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, chúng tôi đánh giá cao việc TP HCM đã nhìn ra điểm yếu của mình để khắc phục.
Bên cạnh đó, trong tháng 2 này, Chính phủ sẽ có một phiên họp chuyên đề về pháp luật để sửa các luật liên quan về nhà ở xã hội để hỗ trợ triển khai việc xây dựng nhà ở xã hội.
Mới nhất là trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Chính phủ và trước đó là cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với TP HCM thì Thủ tướng đã chọn tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 làm điểm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông cho TP HCM trong những năm tới, giảm chi phí logistics và ùn tắc giao thông trong khu vực. Trong đó sẽ dùng đầu tư công để hỗ trợ cho TP HCM làm đường Vành đai 3, Vành đai 4. Như vậy TP HCM sẽ phát huy được vai trò đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với hướng đi như vậy, TP HCM sẽ có đà để khôi phục kinh tế rất nhanh. Tin rằng trong 2 năm 2022 và 2023, thành phố sẽ có sức bật để vươn lên.
Sản xuất khẩu trang y tế tại Công ty Mebiphar. Ảnh: TẤN THẠNH |
Giai đoạn 2008 - 2009, Việt Nam từng có gói kích cầu đầu tư nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sắp tới, theo ông, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì?
- Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997 bắt đầu từ Thái Lan rồi lan sang Việt Nam và chúng ta bị ảnh hưởng vào năm 2000, 2001. Rồi năm 2008 khi Lehman Brothers sụp đổ thì năm 2009 chúng ta mới bị tác động. Tức là luôn có độ trễ tác động so với thế giới.
Khó khăn của chúng ta hiện nay khác hồi năm 1997 và 2008 bởi khi đó chúng ta mất cầu cho nên phải kích cầu để hỗ trợ. Nhưng năm 2020 và 2021 là chúng ta đứt gãy chuỗi cung ứng, tức là đứt cả cung và cầu, nên cách tiếp cận hỗ trợ cũng phải khác. Đây là bài học mà Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý vĩ mô rút ra được từ 2 cuộc khủng hoảng về tài chính và bất động sản của thế giới để chúng ta có những khắc phục trong gói hỗ trợ lần này.
Ngày 8-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chúng ta cần có quyết tâm và giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết?
- Các chỉ tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP là chỉ tiêu tĩnh. Để xây dựng hệ tiêu chí trong nghị quyết thì chúng ta giả định năm 2022 kinh tế thế giới phục hồi; giả định tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới là 5,5%; giả định là không có biến chủng mới về Covid-19. Tuy nhiên, ngay tháng 1-2022, các yếu tố đầu vào đã thay đổi. Dự báo về tăng trưởng của kinh tế thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, đều bị hạ mức tăng trưởng. Rồi biến thể Omicron bùng phát và việc tiêm liều 3 vắc-xin trở thành bắt buộc.
Khi diễn ra kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội để thông qua các chỉ tiêu đó thì chúng ta dự báo không có biến thể mới, kinh tế thế giới ổn định và tăng trưởng… thì bây giờ khác rồi. Do đó các chỉ tiêu tăng trưởng là mục tiêu để chúng ta phấn đấu. Còn lại là chúng ta phải điều hành theo hướng hiệu quả của nền kinh tế và khi hiệu quả rồi thì những năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi.
Bà HÀ THU GIANG, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước: Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh Trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành về xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023. PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học viện Tài chính: 5 vấn đề cần giải quyết Theo tôi, để có nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa góp phần vào việc khôi phục, phát triển và tạo sức bật cho nền kinh tế, cần quan tâm đến một số giải pháp khác. Thứ nhất, cần tổ chức tốt việc sống chung với đại dịch với mục tiêu vừa khống chế tốt dịch vừa sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Thứ hai, cần đổi mới cơ chế quản lý, cách thức tiếp cận của người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, rộng hơn là đổi mới thể chế, để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Thứ ba, triển khai tốt các gói hỗ trợ kinh tế đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua để phát huy, khơi thông nguồn lực đến từng doanh nghiệp, từng thành phần kinh tế trong tiến trình hồi phục và phát triển sau đại dịch. Đặc biệt, kéo dài hơn nữa thời gian miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp để tạo động lực và nguồn vốn hồi phục sản xuất, giữ giá thành sản phẩm ổn định, đồng thời cũng chính là cách thúc đẩy tiêu dùng. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay, nhiệm vụ của chúng ta là cần giải ngân 197.000 tỉ đồng vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kéo theo các lĩnh vực dịch vụ phát triển. Cuối cùng, triển khai cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tốt và thực chất hơn để bổ sung được dòng vốn quan trọng này vào ngân sách nhà nước, giúp giảm phần nào áp lực vay nợ, tránh lãng phí ở khối doanh nghiệp công. T.Phương - H.Dương ghi |
Văn Duẩn thực hiện