Vietstock - Cam kết của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của cả hai bên được thông thương.
Thuế xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ giảm mạnh nhờ EVFTA
|
85.6% dòng thuế được xoá bỏ
Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85.6% số dòng thuế, tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99.2% số dòng thuế, tương đương 99.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0.3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép, gạo, đường, mật ong, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến... EU cam kết như sau:
Với hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77.3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22.7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc.
Với nhóm hàng giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42.1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỉ lệ này sẽ lần lượt là 73.2% và 100%.
Sản phẩm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86.5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90.3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11,500 tấn. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn.
Với gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80,000 tấn gạo (gồm 30,000 tấn gạo xay xát, 20,000 tấn gạo chưa xay xát và 30,000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100,000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.
EU dành cho ta hạn ngạch 10,000 tấn đường trắng và 10,000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.
Sản phẩm mật ong sẽ được EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cam kết của Việt Nam
Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48.5% số dòng thuế (chiếm 64.5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91.8% số dòng thuế tương đương 97.1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98.3% số dòng thuế (chiếm 99.8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1.7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Đối với một số mặt hàng EU quan tâm, Việt Nam cũng đưa ra những cam kết cụ thể.
Theo đó, mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm với ô tô phân khối lớn (trên 2,500 cm3 với xe chạy dầu diesel, trên 3,000 cm3 với xe chạy xăng), 10 năm với các loại ô tô khác, 7 năm với phụ tùng ô tô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3.
Mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia.
Mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thịt bò, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm. Lộ trình đối với thịt bò là 3 năm.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.
Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc là loại than ta hầu như không sản xuất). Đối với các dòng thuế có thuế xuất khẩu hiện hành đang cao, Việt Nam cam kết đưa mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các mặt hàng khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.
Nhật Quang