Theo Dong Hai
Investing.com – Dựa trên cam kết quốc tế trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (hiệp định RCEP), mới đây Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 5/2022 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Thông tư gồm 4 chương, 32 điều và 4 phụ lục kèm theo, có hiệu lực từ ngày 4/4. Thông tư quy định các nội dung về quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm: các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên trong các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch tại nước thành viên, sản phẩm thu được từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên, sản phẩm được nuôi trồng, thu lượm săn bắn trên vùng lãnh thổ của thành viên, khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, hải sản và các sản phẩm biển được đánh bắt, chế biến trên tàu của nước thành viên tại vùng biển nội địa hay phù hợp với luật pháp quốc tế, hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại các nước thành viên.
Theo đó cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ là đơn vị kiểm tra bằng cách yêu cầu nước xuất khẩu cung cấp thêm những đầy đủ thông tin về hàng hóa.
Về các lợi ích từ hiệp định, hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định tại Thông tư này. Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.
Trong thông tư, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều khoản khác biệt thuế do một số nước trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.
Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do đó, hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.