Vietstock - Các nước ASEAN nỗ lực duy trì chuỗi cảng biển an toàn trước đại dịch
Trong hai ngày 9 - 10/3, Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải (MTWG) được tổ chức tại Hà Nội. Cùng các nước trong ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì được chuỗi cảng biển an toàn trước đại dịch...
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam luôn nỗ lực giữ vững vùng xanh cảng biển, duy trì chuỗi cung ứng vận tải bằng đường biển với các nước thuộc ASEAN và quốc tế. |
Tại hội nghị, Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao làm Trưởng nhóm MTWG Việt Nam. Theo cơ chế luân phiên của ASEAN, Cục Hàng hải Việt Nam đóng vai trò chủ trì hội nghị quan trọng này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Hội nghị MTWG lần thứ 42 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thành phần tham dự bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại và các hiệp hội khu vực của ASEAN.
Tại hội nghị lần thứ 42, Nhóm công tác MTWG ASEAN tiếp tục thảo luận việc thực hiện kế hoạch Chiến lược Giao thông vận tải Kuala Lumpur 2016-2025, các sáng kiến mới trong lĩnh vực giao thông hàng hải, tiến độ thực hiện kế hoạch hành động 2022-2023, hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại và các hiệp hội khu vực của ASEAN.
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì 4 hội nghị của MTWG trong nhiệm kỳ hai năm từ 2008-2009 tổ chức tại Việt Nam, gồm: hội nghị MTWG 15 tại Hà Nội, hội nghị MTWG 16 tại Nha Trang, hội nghị MTWG 17 tại Huế và hội nghị MTWG 18 tại TP.HCM. Công tác tổ chức, chuẩn bị nội dung và kỹ năng điều hành hội nghị phía Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp quốc tế.
Theo Đại diện Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Hàng hải Việt Nam, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (7/1995), hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước, tính đến nay, Việt Nam ký kết Hiệp định hàng hải, vận tải biển song phương với 7 quốc gia thuộc ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar.
Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW 1978 với 6 quốc gia trong khu vực là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar và Thái Lan.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Đồng thời, phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2019-2020. Tiếp tục triển khai các hợp tác trong ASEAN trong các lĩnh vực như môi trường, kiểm tra nhà nước tại cảng biển (PSC), nâng cao năng lực cảng biển trong khu vực, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn trong khu vực…
Điểm sáng trong thúc đẩy hợp tác hàng hải, hoạt động giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN và quốc tế phải kể đến chính là nỗ lực duy trì được chuỗi cảng biển an toàn trước đại dịch.
Anh Tú