Vietstock - Các nhà mạng đã sẵn sàng triển khai Mobile Money trong thời gian tới
Với việc dịch vụ Mobile Money được cấp phép thí điểm trong tháng 6/2020, đây sẽ là "mỏ vàng" mới để các nhà mạng sẵn sàng khai thác trong thời gian tới.
* Có sợ sim rác khi triển khai mobile money?
* Vì sao nhà mạng mong chờ Mobile Money?
Mobile Money (hay còn gọi là hình thức thanh toán qua điện thoại di động) là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành. Điều này cos nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông như: VNPT, Viettel, MobiFone… có thể tham gia vào thị trường thanh toán.
Là một phần của thanh toán điện tử nhưng Mobile Money khác với ví điện tử ở chỗ người dùng không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Hiện nay đã có hơn 90 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai dịch vụ tiền di động với khoảng 1 tỷ tài khoản, với mức gia tăng trung bình là 20%/năm.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người sử dụng điện thoại di động và mạng Internet vào loại nhanh nhất trên thế giới trong 5 năm gần đây, độ phủ viễn thông di động vào nhóm cao nhất thế giới khi số thuê bao gấp 1,3 lần dân số. Đây là tiềm năng lớn để phát triển Mobile Money cũng như thanh toán điện tử.
Theo Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư vừa được ban hành ngày 29/5 vừa qua, Mobile Money sẽ được cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ giá trị nhỏ.
Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng)…
Trước đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dịch vụ Mobile Money mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép.
Các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone cũng đều đang nóng lòng chờ được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money...
"Mỏ vàng" lớn chờ khai phá
Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có 125,7 triệu thuê bao điện thoại di động.
Theo lý thuyết, toàn bộ số thuê bao này đều có thể tham gia vào sử dụng dịch vụ Mobile Money. Nhưng trên thực tế, số thuê bao có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ ít hơn rất nhiều vì Mobile Money cơ bản hướng đến những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 50% dân số, trong đó chủ yếu ở các vùng nông thôn, người nghèo thành thị, vùng sâu vùng xa.
Solidiance dự báo năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam có thể tăng lên 7,8 tỷ USD, từ mức 4,4 tỷ USD của năm 2017. Các giải pháp thanh toán số cũng đang chiếm tới 89% thị trường này.
(Ảnh minh họa)
|
Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 40-50% thuê bao di động ở Việt Nam không dùng smartphone, không sử dụng data 3G/4G. Đây là những đối tượng không thể thực hiện thanh toán điện tử nhưng lại có thể giao dịch Mobile Money.
Khi dịch vụ Mobile Money chính thức có mặt trên thị trường, người dân sẽ có thêm một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện, thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, hoặc trong trường hợp dùng ví điện tử thì buộc phải có tài khoản ngân hàng.
Các nhà mạng đã sẵn sàng
Trên thế giới, từng có rất nhiều trường hợp áp dụng mô hình Mobile Money thành công, có ảnh hưởng tích cực tới kinh tế, điển hình như M-pesa của Kenya, hay Mobile Money của nhà mạng NTT Docomo tại Nhật Bản…
Trên thực tế, từ năm 2019, các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone đều nóng lòng chờ cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money. Dịch vụ này được cho là sẽ tạo nguồn doanh thu mới trong bối cảnh doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, SMS) tại Việt Nam liên tục đi xuống.
Viettel, một trong ba nhà mạng đi đầu trong triển khai Mobile Money tại Việt Nam khẳng định đây sẽ là xu hướng chung, hoàn toàn có tiềm năng thành công và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Viettel cũng là một trong những nhà mạng Việt tiên phong đi đầu trong cuộc đua ví điện tử tại châu Phi, một thị trường rất khốc liệt nhưng cũng rất tiềm năng để khai phá.
Tanzania và Burundi là những thị trường của Viettel có tốc độ phát triển "thần tốc" về dịch vụ Mobile Money.
|
Nhờ kinh nghiệm "mang chuông đi đánh xứ người" như vậy, giới chuyên gia nhân định thời gian tới khi Mobile Money tại Việt Nam được chính thức cấp phép, đây sẽ là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất.
Tập đoàn Viettel cũng cho biết đã chuẩn bị mọi nguồn lực và tận dụng những lợi thế sẵn có để triển khai thử nghiệm Mobile Money ngay khi được cấp phép, tiến tới phổ cập thanh toán số, tài chính số tại Việt Nam.
Một nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money khác là MobiFone cũng nhận định rằng loại hình này sẽ mang đến nhiều lợi thế cho cả người dân lẫn các doanh nghiệp viễn thông.
Thời gian qua, MobiFone cũng đã đầu tư, chuẩn bị mọi mặt để sớm có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money tới người dùng sau khi dịch vụ này được cấp phép.
Hiện tại MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử, đây chính là tiền đề mở rộng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt nhất.
“MobiFone xác định việc nhanh chóng triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Mobile Money là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính…”, đại diện nhà mạng này nhấn mạnh.
Khó khăn nào khi triển khai Mobile Money?
Không chỉ chuẩn bị để cung cấp công cụ, giải pháp thanh toán số, hệ sinh thái số, hệ thống kênh trải dài khắp toàn quốc, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị sẵn những chiến lược để đối phó với khó khăn, rủi ro khi triển khai dịch vụ.
Điển hình trong đó là rủi ro dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng; thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền; tiền của khách hàng có thể bị mất, nếu không có phương án quản lý phù hợp...
Trước vấn đề này, khi xem xét thí điểm triển khai Mobile Money, các cơ quan quản lý nhà nước gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… đã lường trước và đưa ra các quy định về giám sát, quản lý rủi ro rất chặt chẽ như: quy định về tài khoản đảm bảo, giới hạn hạn mức giao dịch… để hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần quy định phải luôn có mã xác thực, mã PIN hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch...
Một khó khăn nữa được các chuyên gia chỉ ra rằng, trên thực tế, theo nhiều thống kê, dịch vụ Mobile Money chủ yếu phát triển ở các nước nghèo, kém phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi. Tại các khu vực có hệ thống tài chính, ngân hàng phát triển hiện đại, đồng bộ và rộng khắp như châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước phát triển ở châu Á, Mobile Money lại không phát triển.
Do vậy, khi hệ thống tài chính, ngân hàng tại Việt Nam phát triển đồng bộ và phủ khắp, tức mọi người dân đều có tài khoản ngân hàng, đều sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại, điều đó đồng nghĩa với thị trường dịch vụ Mobile Money rất có thể cũng dần thu hẹp lại.
Cùng với đó, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa để người dùng trực tiếp thanh toán hóa đơn như tiền điện, nước, tiền điện thoại di động…
Nhiều ngân hàng cũng đang phát triển các ứng dụng kết nối với các nhà bán lẻ… giúp người dùng (có tài khoản ngân hàng) có thể thanh toán khi mua sản phẩm, hàng hóa một cách tiện lợi, đơn giản và nhanh chóng.
Ngoài những khó khăn kể trên, để dịch vụ mới mẻ này tiếp cận được đến tay người dùng, các nhà mạng sẽ phải bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn để quảng bá cũng như thay đổi thói quen mua sắm.
Tuy nhiên, việc Mobile Money được cấp phép trong thời gian tới cũng sẽ hứa hẹn một cuộc đua gay cấn mới khi các nhà mạng đã sẵn sàng nhập cuộc./.
Minh Sơn