Vietstock - ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị huy động 3 triệu tỷ vốn đầu tư trong xã hội
Để huy động được 3 triệu tỷ đồng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp 2-3% và kéo dài trong 2 năm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, rất đáng quan ngại. Nhưng nhìn về tương lai, ông cho rằng còn nhiều tiềm năng cơ hội để nước ta phát triển cao và tăng tốc.
Về điều hành kinh tế, ông Ngân kiến nghị cần kiểm soát giá cả, không để đầu cơ, tích trữ hàng hóa, nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ các kế hoạch đề ra.
Về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Ngân thông tin đến nay cả nước mới giải ngân khoảng 65% tổng nguồn vốn, còn trên 160,000 tỷ cần giải ngân tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Đặc biệt, năm 2022 kế hoạch vốn đầu tư công cả nước là 560,100 tỷ đồng vừa là cơ hội vừa là thử thách lớn, cần tập trung vào khu vực trọng điểm, có tính động lực lan tỏa.
Để tăng trưởng GDP đạt 6-6.5%, ông Trần Hoàng Ngân cho biết cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong dân là gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy, cần gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ 2-3% và kéo dài trong 2 năm. Như vậy sẽ cần 40,000-60,000 tỷ, nguồn này có thể lấy từ đầu tư công mà chưa phân bổ.
Bài toán thu hút trở lại 300,000 lao động đã về quê trở lại TP.HCM
Nói về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho biết đến tháng 10, địa phương này có hơn 430,000 người nhiễm và khoảng 16,600 người tử vong vì Covid-19. TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khi chiếm tới 47% số ca nhiễm và 75% số ca tử vong của cả nước.
Thời gian giãn cách xã hội, ông Nhân cho biết toàn TP chỉ có khoảng 2,000 doanh nghiệp hoạt động (0.7% tổng số doanh nghiệp của TP). “Tức là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm, mất thu nhập trong 4 tháng”, ông Nhân nói và cho biết dự báo năm 2021 TP.HCM tăng trưởng âm 5%.
Đại biểu Nhân nêu 4 giải pháp TP.HCM cần tập trung triển khai, trong đó có tổng kết sâu sắc việc chống dịch trong 2 năm qua để thực hiện đồng bộ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, kiểm soát hiệu quả hơn nữa; phấn đấu đưa mức người nhiễm từ 1,000 ca/ngày xuống 500 ca/ngày theo khuyến cáo của WHO.
TP.HCM cần hỗ trợ cho 430,000 người đã nhiễm bệnh và gia đình của 16,600 người đã chết, để họ phục hồi sức khỏe, tinh thần để tiếp tục mưu sinh, lao động; hỗ trợ, thu hút trở lại 300,000 lao động phải về quê do dịch bệnh, hoặc sớm tìm nguồn bổ sung và cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh.
Nhật Quang