Vietstock - Bộ trưởng Tài chính: Các địa phương cần ngày đêm giải ngân đầu tư công
Một số tỉnh vẫn đăng ký về số giải ngân đến ngày 31/1/2022 hoàn thành 75-85 % kế hoạch. Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các tỉnh sẽ phải nỗ lực “ngày-đêm” để thực hiện ghị quyết số 63/NQ-CP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Vietnam+) |
Dịch bệnh kéo dài dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, đến ngày 30/11, bình quân cả nước mới đạt 65,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ quy định tốc độ giải ngân đến hết năm 2021 phải đạt 95-100% kế hoạch được giao. Do đó, từ nay đến hết cuối năm, các tỉnh vẫn phải phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch theo tinh thần của Nghị quyết của Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc trao đổi với báo chí ngày 14/12 về công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
- Xin Bộ trưởng cho biết những đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công và dự kiến đăng ký hoàn thành của các địa phương đến thời điểm hiện nay?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Hiện nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương còn rất thấp. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công là do công tác chuẩn bị, từ phân bổ vốn, xây dựng dự án, phê duyệt dự án, thủ tục đầu tư (như dự toán, hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu) và đặc biệt là giải phóng mặt bằng chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Năm nay, một nguyên nhân khách quan khác là giá vật liệu (thép, cát sỏi..) tăng đột biến. Do đó, các nhà thầu không tiến hành thi công để chờ giá giảm trở lại. Mặt khác, việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng bị ảnh hưởng.
Theo dự kiến về số giải ngân đến ngày 31/1/2022, một số tỉnh đăng ký hoàn thành 75-85 % kế hoạch được giao, song vẫn chưa đạt mục tiêu mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định. Do đó ,các tỉnh sẽ phải nỗ lực ngày đêm để thực hiện và báo khối lượng trước 31/12.
Vừa qua. một số tỉnh đề xuất, kiến nghị cho phép kéo dài dự án đến 31/12/2022, song tỉnh nào cũng kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa. Hơn nữa, trong giai đoạn khó khăn - diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều doanh nghiệp không có việc làm, người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp... thì xin kéo dài cũng đồng nghĩa với việc các gói kịch cầu sẽ không còn ý nghĩa và tác dụng. Do đó, các địa phương trước hết phải tập trung vào đầu tư công với mục tiêu giải ngân thật nhiều, nhanh và hiệu quả nhất, sau đó mới tính đến các gói kích cầu.
- Vậy để thúc đẩy tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính đã chỉ đạo các tỉnh và đơn vị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đồng thời phối hợp với các bộ, ngành gỡ những “nút thắt” nhằm đảm bảo cho đầu tư công hiệu quả cũng như công tác giải ngân đạt kế hoạch đề ra.
Bộ tài chính đảm bảo vấn đề về nguồn vốn giải ngân và hướng dẫn những thủ tục thuộc chức năng. Hiện bộ có một tổ thường trực luôn sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định số 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công; Thông tư số 96/2021/TT-BTC; Thông tư số 15/2021/TT-BTC, trong đó quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thực hiện báo cáo tình hình giải ngân để kịp thời có phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân vốn.
Hiện nay, quy trình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đã chuyển từ cơ chế kiểm soát trước thanh toán sau sang thanh toán trước kiểm soát sau. Mặt khác, thời gian thanh toán vốn đã rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc (với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành). Các khoản thanh toán còn lại cũng chỉ tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
- Thực tế thì vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn diễn ra hàng năm. Vì vậy, trong thời gian tới để việc giải ngân được tốt hơn phải cần những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vấn đề trọng tâm là hoàn thiện cơ sở pháp lý, như tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng thường bị vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù, di dời công trình phải giải tỏa, chồng lấn mặt bằng thi công, khiếu kiện của người dân… Đây đang là nút thắt lớn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Do nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa được tách ra khỏi dự án đầu tư công nên khi điều chỉnh chi phí dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng sẽ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hơn nữa, quyết định phê duyệt của dự án nên kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án.
Vì vậy, giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước. Theo đó, dự án đầu tư khi được đấu thầu và ký hợp đồng thi công, nhà đầu tư có thể tiến hành luôn. Như vậy, công trình đầu tư sẽ được tiến hành liên hoàn đồng thời chất lượng cũng được tốt và phát huy hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn Bộ Trưởng!
Hạnh Nguyễn
Bạn nên mua cổ phiếu nào trong phiên giao dịch tiếp theo?
Trước tình hình mức định giá tăng vọt trong năm 2024, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an khi rót thêm tiền vào cổ phiếu. Bạn không biết chắc nên gửi gắm khoản đầu tư tiếp theo vào đâu? Hãy sử dụng danh mục đã được chứng minh của chúng tôi và khám phá những cơ hội giàu tiềm năng.
Chỉ riêng trong năm 2024,ProPicks AI đã phát hiện 2 cổ phiếu tăng giá mạnh hơn 150%, 4 cổ phiếu tăng giá hơn 30%, cùng 3 cổ phiếu tăng hơn 25%. Đó quả là thành tích vô cùng ấn tượng.
Với các danh mục được điều chỉnh phù hợp cho cổ phiếu Dow, cổ phiếu S&P, Cổ Phiếu Công Nghệ và cổ phiếu Vốn Hóa Trung Bình, bạn có thể khám phá vô vàn chiến thuật gia tăng lợi nhuận.