Vietstock - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chương trình phục hồi kinh tế phải mạnh dạn làm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm khi xây dựng chương trình phục hồi kinh tế là phải mạnh dạn hơn để phát triển, đảm bảo tăng trưởng quy mô GDP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời nhóm vấn đề lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
|
Chương trình phục hồi kinh tế phải mạnh dạn hơn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KHĐT tiếp cận theo 2 kịch bản là không có chương trình phục hồi hoặc có chương trình phục hồi. Từ đó xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát với từng kịch bản.
Hiện Bộ KHĐT đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội tính toán về việc sử dụng các công cụ về chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng như khả năng phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế.
“Về quan điểm, chúng tôi cho rằng phải mạnh dạn hơn để phát triển kinh tế, đảm bảo phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo tăng trưởng quy mô GDP của nền kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn về nợ công và bội chi ngân sách”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh công cụ quan trọng nhất là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả, nợ xấu… điều chỉnh điều hành linh hoạt cung tiền để giảm áp lực lạm phát. Bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, đầu tư công, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia.
Chương trình phục hồi kinh tế sẽ tính đến khả năng trả nợ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cách tiếp cận xây dựng chương trình khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 7 định hướng lớn.
Trước hết là tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ đó chủ động xây dựng phương án và kịch bản để đối phó.
Hai là xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.
Ba là vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn vừa lồng ghép với chiến lược, kế hoạch 5 năm trong dài hạn.
Bốn là các chính sách phải bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động của các tổ chức tín dụng và các chỉ tiêu về nợ công, lạm phát.
Năm là các chính sách này hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế và an sinh xã hội, lao động việc làm và phải có trọng tâm trọng điểm.
Sáu là phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.
Cuối cùng là có nhóm giải pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra.
Không nới bội chi và nợ công khó tăng trưởng
Cũng trong phiên chiều 11/11, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu Chính phủ hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân thì rủi ro, nguy cơ lớn là tăng lạm phát.
Ông cũng thể hiện quan điểm ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng có thể kiểm soát được vì nếu không nới thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng.
“Không tăng trưởng thì không thể thực hiện các mục tiêu đề ra như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, chiến lược 2021-2030, khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.
Cũng từ đó, ông cho rằng Việt Nam có thể bỏ hết các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ "dân số vàng" hay từ các hiệp định thương mại tự do, lỡ nhịp cuộc chơi và tụt hậu.
Ông đề nghị nghiên cứu nới bội chi và nợ công để thúc đẩy quy mô nền kinh tế lớn lên, khi đó tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống, có thể cao hơn số cũ một chút nhưng có thể chấp nhận được. Bộ trưởng KHĐT nhắc lại nếu không nới nợ công và bội chi sẽ không có đầu tư, không có phát triển.
Nhật Quang