Vietstock - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Có lúc vì sức khỏe, lợi ích của nhân dân, phải bất chấp nguyên tắc'
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trường hợp cấp bách phải đảm bảo phục vụ dân, như chống dịch COVID-19, buộc phải "bất chấp nguyên tắc" cho xuất hàng, chi trước, quyết toán sau.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: VGP/HL
|
Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan tới điều chỉnh, điều chuyển vốn ngân sách. Có ba đại biểu Quốc hội tham gia góp ý kiến về các nội dung này.
Ở các nội dung này, Chính phủ đề nghị tăng dự toán vay lại từ vốn vay nước ngoài năm 2022 tại 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33.7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn.
Chính phủ muốn bổ sung hơn 14,713 tỷ đồng chi thường xuyên vốn viện trợ không hoàn lại vào dự toán ngân sách năm 2021. Khoản này gồm viện trợ phòng chống dịch là hơn 11,360 tỷ đồng, và viện trợ khác gần 3,353 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến, đây là những khoản đã được các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nhận viện trợ và chi, nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua trước đó.
"Việc chi trước, quyết toán sau không nằm trong kế hoạch chi hàng năm đã và đang diễn ra, không đúng quy định của Luật Ngân sách", ông nói và đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình rõ lý do.
Về việc này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, viện trợ nước ngoài phụ thuộc các tổ chức nước ngoài, nên thường là các khoản nhỏ, bất thường và không có dự toán từ trước.
Năm 2021-2022, đặc thù các khoản viện trợ là dành cho phòng, chống dịch COVID-19, các tổ chức nước ngoài tài trợ trực tiếp cho các địa phương (TP HCM, Hà Nội...). Địa phương sau khi tiếp nhận, phục vụ chống dịch, rồi mới báo cáo Bộ Tài chính.
Việc này, theo Bộ trưởng Tài chính, khiến nhiều đơn vị rất bị động. "Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc", ông nói.
Nêu thực tế, Bộ trưởng Phớc kể, thời điểm đỉnh dịch tại TP HCM, số ca tử vong tăng cao, nhưng theo quy định phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục, giấy tờ hải quan mới cho xuất hàng, thông quan hàng hoá. Lúc đó, kit test xét nghiệm, vaccine COVID-19... được nhà tài trợ vận chuyển, thông báo cho địa phương, ngành y tế.
Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Công an, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy... tới nhận nhưng Cục Hải quan TP HCM cũng không đồng ý, do lô hàng tài trợ chưa đủ hồ sơ, điều kiện để thông quan.
"Lúc đó tôi phải gọi cho Cục trưởng Hải quan TP HCM. Tôi nói sẽ chịu trách nhiệm, phải cho Ban chỉ đạo chống dịch nhận vaccine, kit xét nghiệm, nhưng Cục Hải quan không đồng ý cho xuất hàng. Tôi yêu cầu, nếu anh không có xuất hàng thì trả chức lại cho Bộ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, hải quan mới đồng ý xuất hàng trước, hoàn thủ tục sau", Bộ trưởng Tài chính kể lại.
Theo ông, tùy vào thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho chi trước, xuất hàng trước, rồi hoàn thành thủ tục, quyết toán sau. Song như vậy cán bộ lại rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm.
"Trường hợp này may là sau này tập hợp hồ sơ, đầy đủ", ông nói, và mong muốn các đại biểu Quốc hội thấu hiểu, Bộ Tài chính luôn chủ động trong phạm vi, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải "hết sức sáng tạo".
Liên quan tới xin điều chỉnh hơn 2,268 tỷ đồng dự toán kinh phí chưa dùng hết năm 2021 của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và 2023 của Bộ Tài chính, ông Tạ Văn Hạ, đại biểu tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề "có phải hiện tượng lách luật hay không?".
Theo ông Hạ, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan gác cửa quản lý tài chính, xin điều chuyển vốn như vậy là chưa nghiêm.
Ông Hồ Đức Phớc giải thích, về nguyên lý khi tiết kiệm chi thường xuyên để đưa vào các khoản chi đầu tư phát triển là "hiệu quả, tốt".
Ngoài hai đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế), theo Nghị quyết Quốc hội, một số đơn vị khác như Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước... cũng được hưởng chế độ đặc thù cho tới khi hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương. Do đó, đây không phải là ưu ái.
Việc chưa thể phân bổ vốn cho các dự án của hai đơn vị này từ đầu kỳ, đầu năm, theo trưởng ngành Tài chính, quyền bố trí vốn đầu tư công thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhiều hạng mục của ngành tài chính không được bố trí do vốn "nhu cầu nhiều, vốn đầu tư công bố trí đầu nhiệm kỳ còn hạn chế".
Hơn nữa, sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư - quản lý việc ghi vốn, phân bổ vốn đầu tư công và Bộ Tài chính, ông Phớc thừa nhận, chưa nhịp nhàng.
Ông Phớc nói thêm, những trụ sở cơ quan thuế, hải quan ở địa phương không sử dụng, hay do sáp nhập Chi cục, thì Bộ Tài chính đều trả lại địa phương để bố trí cho các cơ quan khác.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, điều chuyển vốn theo đề xuất của Chính phủ tại phiên họp bế mạc chiều 9/1.
Nhật Quang