Theo Lan Nha
Investing.com - Việc đồng Yên lại giảm giá mạnh một lần nữa khiến nhà chức trách Nhật lên tiếng cảnh báo, bao gồm về khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Trong phiên giao dịch ngày 31/10 tại thị trường Mỹ, tỷ giá đồng yên giảm 1,7%, có thời điểm còn 151,74 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và gần thấp nhất trong 15 năm. Mốc tỷ giá này cũng rất gần mốc 151,94 JPY/USD đã dẫn tới việc Bộ Tài chính có động thái can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ cách đây 1 năm.
Ngoài ra, tỷ giá yên so với đồng euro cũng phá vỡ mốc 160 yên đổi 1 euro lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Sáng ngày 1/11, tỷ giá yên phục hồi nhẹ, có lúc lên 151,27 yên đổi 1 USD, giảm 13% từ đầu năm đến nay và giảm 38% so với mức đỉnh thiết lập trong đại dịch Covid-19. Tỷ giá yên so với euro dao động trên ngưỡng 160 yên đổi 1 euro.
Năm ngoái, đồng yên cũng mất giá khoảng 13% so với USD.
Ông Masato Kanda, quan chức cấp cao nhất về tiền tệ tại Bộ Tài chính Nhật Bản, tuyên bố cơ quan này sẵn sàng hành động nếu cần thiết. “Chúng tôi đang ở vị thế sẵn sàng hành động. Nhưng tôi không thể nói chúng tôi sẽ làm gì và vào lúc nào. Chúng tôi sẽ đánh giá tổng quát tình hình với một tinh thần cấp bách”.
Trong phiên giao dịch ngày 31/10 đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của đồng yên kể từ tháng 4. Đồng yên sụt giá sau khi BOJ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và nói rằng mức trần 1% của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm sẽ trở thành một giới hạn linh hoạt thay vì là một giới hạn cứng như trước.
Trước cuộc họp này của BOJ, thị trường đã kỳ vọng sẽ có một động thái nới biên độ của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, nên việc BOJ chỉ điều chỉnh như vậy không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Giới đầu tư và phân tích cho rằng đây là một tín hiệu rằng BOJ sẽ rất chậm chạp trong việc dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Trong khi đó, sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu và Anh chính là nguồn áp lực giảm giá chủ yếu đối với đồng yên thời gian qua. Khi BOJ vẫn còn giữ chính sách nới lỏng và các ngân hàng trung ương khác chưa dừng thắt chặt, đồng yên sẽ còn chịu sức ép mất giá như vậy.
Cách đây 1 năm, việc đồng yên rớt giá ồ ạt về gần ngưỡng 152 yên đổi 1 USD đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá yên lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Trong 3 vòng can thiệp của năm ngoái, Nhật bản đã chi hơn 60 tỷ USD để mua vào đồng yên.
“Chúng tôi rất lo ngại về những biến động phiến diện và đột ngột về tỷ giá. Các yếu tố kinh nền tảng không thể khiến tỷ giá thay đổi vài yên mỗi USD chỉ sau một đêm được”, ông Kanda phát biểu.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, các nhà giao dịch hiện tại có vẻ không mấy lo ngại về khả năng Nhật Bản mua vào đồng yên để ngăn đà giảm giá. Giới đầu cơ đã gia tăng việc đặt cược vào sự mất giá của USD sau cuộc họp của BOJ.
“Các nhà đầu cơ giá xuống đồng yên đã quay trở lại, và với mốc 150 yên/USD không còn là giới hạn của một động thái can thiệp nữa, ngưỡng 152 yên/USD có thể sẽ bị thử thách”, chiến lược gia Charu Chanana của Saxo Bank nhận định, cho rằng đồng yên thậm chí có thể rớt giá về mốc 155 yên/USD.