Vietstock - Bệnh viện buộc bệnh nhân gánh lãi vay ngân hàng trái quy định ?
Do vay ngân hàng để mua sắm thiết bị y tế nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã đề xuất tăng giá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh để bù vào khấu hao thiết bị và lãi vay ngân hàng.
Hệ thống máy chụp DSA tại BVĐK tỉnh Thái Bình được mua sắm từ vốn vay ngân hàng. Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG
|
Có những dịch vụ tăng gấp 2 - 4 lần so với quy định.
Tăng giá nhiều kỹ thuật
Phản ánh tới Thanh Niên, một số người dân ở TP.Thái Bình cho biết thời gian qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình đã áp dụng việc thu thêm đối với một số dịch vụ chụp liên quan đến chụp mạch máu bằng máy DSA.
Theo đó, bệnh nhân (BN) chụp mạch máu bằng kỹ thuật DSA, ngoài mức giá chung theo quy định là hơn 5,5 triệu đồng/lần, còn phải trả thêm 2 triệu đồng, tổng cộng là 7,5 triệu đồng. Đối với dịch vụ chụp mạch có đặt stent, ngoài mức giá theo quy định hơn 6,7 triệu đồng, bệnh nhân phải trả thêm 5 triệu đồng, tổng cộng gần 12 triệu đồng/lần chụp. Mức thu này được phản ánh là cao gần gấp đôi so với các BV có dịch vụ tương tự.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ tháng 4.2019, BVĐK tỉnh Thái Bình đã có Tờ trình số 228 gửi Sở Y tế tỉnh Thái Bình đề xuất cho phép tính khấu hao và chi phí lãi vay vào giá một số dịch vụ kỹ thuật trên thiết bị của dự án vay vốn ngân hàng.
Văn bản này cho biết, từ năm 2016, BVĐK tỉnh Thái Bình triển khai dự án mua sắm trang thiết bị theo phê duyệt của UBND tỉnh Thái Bình. Do phần lớn giá trị trang thiết bị là vay vốn từ ngân hàng, trong khi giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ “đã làm cho BV gặp nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động chuyên môn, thực hiện nghĩa vụ trả lãi và gốc đối với ngân hàng”. Từ đó, BVĐK tỉnh Thái Bình đề nghị Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho phép xây dựng cơ cấu giá và quyết định thu thêm tiền khấu hao và chi phí lãi vay ngân hàng đối với 5 loại dịch vụ kỹ thuật, với mức cao từ 2 - 4 lần so với giá dịch vụ quy định tại Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các BV cùng hạng trong toàn quốc, và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp.
Theo đó, giá chụp CT 32 dãy không thuốc và có thuốc theo Thông tư 312 chỉ từ 519.000 đồng và 628.000 đồng, đã được BVĐK tỉnh Thái Bình đề xuất thu thêm… 2,5 triệu đồng/lần chụp. Đối với dịch vụ xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính, ngoài mức thu 500.000 đồng/xạ trị theo quy định, còn thu thêm 250.000 đồng...
Ngày 19.4.2019, Sở Y tế Thái Bình đã có Văn bản số 308 hồi đáp đề xuất của BVĐK Thái Bình. Theo đó “Sở Y tế đồng ý với chủ trương tính khấu hao tài sản, tiền lãi vay ngân hàng vào giá dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như hệ thống xạ trị, máy CT mô phỏng, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền để thực hiện nghĩa vụ trả gốc và lãi ngân hàng”, văn bản Sở Y tế tỉnh Thái Bình nêu rõ.
Công an đang xác minh
Cũng theo phản ánh của người dân TP.Thái Bình, việc đề xuất và chấp thuận chủ trương tăng phí dịch vụ y tế của BVĐK tỉnh Thái Bình và Sở Y tế tỉnh Thái Bình là trái quy định hiện hành, bởi theo quy định của luật Khám, chữa bệnh, việc quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và căn cứ theo đề nghị của UBND tỉnh.
Để làm rõ các thông tin phản ánh nêu trên, Thanh Niên đã liên lạc với ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình. Ông Dịu cho biết vấn đề tăng giá viện phí là một trong nhiều nội dung mà Công an tỉnh Thái Bình đang xác minh làm rõ tại BVĐK tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, theo ông Dịu, văn bản của Sở Y tế chỉ mang tính chất hướng dẫn trả lời đối với vấn đề cơ quan cấp dưới nêu, chứ không phải là phê duyệt giá. “Sở có nắm được có bao nhiêu trường hợp bệnh nhân phải áp dụng mức giá tăng từ tháng 4.2019 đến nay?”, PV hỏi. Ông Dịu cho hay: “Vấn đề này công an đang rà soát để làm rõ các phản ánh. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể”.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện BVĐK tỉnh Thái Bình cũng xác nhận có đề xuất tăng giá viện phí đối với một số dịch vụ trong tổng số 200 máy móc, thiết bị y tế được mua sắm từ vốn vay ngân hàng, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể với lý do các hồ sơ liên quan đã được Công an tỉnh Thái Bình thu thập để xác minh.
Được biết, dự án mua sắm trang thiết bị y tế của BVĐK tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 309 tỉ đồng, trong đó, chi phí thiết bị hơn 300 tỉ đồng với 83 hạng mục thiết bị được đề xuất mua sắm mới 100%. Việc mua sắm được thực hiện thông qua đấu thầu từ năm 2017 - 2018. Dù là chủ đầu tư nhưng BVĐK tỉnh Thái Bình chỉ tự chủ 15% vốn (khoảng 46 tỉ đồng), số còn lại 263 tỉ đồng là đi vay từ Ngân hàng Vietinbank (HM:CTG), dự kiến trả trong 10 năm. Các thiết bị y tế này đang được BVĐK tỉnh Thái Bình thế chấp tại Vietinbank.
Thái Sơn