Vietstock - “Bẫy” cho vay tiền qua mạng ngày càng tinh vi
Tình trạng dụ dỗ, lừa đảo người dân vay tiền lãi suất cao qua mạng đã nở rộ trong những năm qua. Đáng chú ý, gần đây đã xuất hiện những hình thức “bẫy” vay tiền mới, tinh vi và nguy hiểm hơn khiến nhiều người vay rơi vào khốn cùng.
Ảnh minh họa |
Muôn kiểu “bẫy” vay tiền
Một ngày, hàng loạt người quen trên mạng xã hội của anh Trần H. C, ngụ Bình Thạnh, TP HCM bỗng nhiên nhận được tin nhắn của một nhóm người tự xưng là “chủ nợ” của anh C. Nhóm người này gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân của anh C, “thông báo” cho các mối quan hệ trên mạng của anh là anh đang nợ số tiền 30 triệu đồng, nếu anh không trả, họ sẽ “dùng biện pháp khác”. Nhóm người này thậm chí còn liên tục bình luận với nội dung đòi nợ vào hầu hết các bài viết trên trang cá nhân của anh.
Đây là một hình thức đòi nợ qua mạng khá quen thuộc của những nhóm cho vay nặng lãi thông qua Zalo hoặc qua app đang phổ biến gần đây. Đầu tiên, nhóm cho vay tiếp cận “con mồi” bằng cách gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền qua tin nhắn Zalo, Facebook (NASDAQ:FB), để lại đường link app hoặc số điện thoại với những thông tin mời gọi hấp dẫn như “vay ngay không thế chấp”, “hỏi vay nhận tiền ngay”...
Không chỉ thế, nhiều nick ảo còn lan tỏa khắp mạng xã hội, chia sẻ những “kinh nghiệm vay tiền” kiểu như: “Thời gian qua mình rất kẹt tiền để lo cho gia đình mà không biết xoay xở làm sao, tình cờ mình biết đến anh này tốt bụng cho vay tiền không cần thế chấp, lãi suất thấp hơn ngân hàng, nhận tiền ngay sau 3 phút, ai có nhu cầu liên hệ số điện thoại hoặc đăng kí app... nhé”.
Sau khi thành công dụ dỗ “con mồi” vay tiền mà chỉ cần chụp ảnh, thông tin giấy tờ tùy thân, số tiền nhanh chóng được chuyển vào tài khoản, nhưng thấp hơn đáng kể so với tiền khách hàng cần vay (số còn lại bị trừ vào lãi suất). Thế nhưng, khách hàng vẫn phải đóng số lãi “cắt cổ” hàng ngày mặc dù bên cho vay đưa ra những lời hứa hẹn như “lãi suất không đồng”.
Sự đáng sợ của các ứng dụng vay tiền còn nằm ở chỗ nó như một chiếc vòi bạch tuộc. Do cả tin, thiếu hiểu biết, người vay tiền sau khi thấy lãi mẹ đẻ lãi con, chưa kịp chi trả thì sẽ bị khủng bố tinh thần, hoảng loạn, dễ rơi vào cạm bẫy của những app cho vay khác để thanh toán nợ gối đầu, từ đó nợ chồng nợ chất.
Như trường hợp của chị Kim T ở TP HCM. Ban đầu, chị vay tiền qua một app cho vay với số tiền 6 triệu nhưng số tiền thực nhận chỉ gần 4,5 triệu đồng. Chị được thông báo phải thanh toán số tiền 9 triệu đồng sau 7 ngày. Đến khi đáo hạn, không đủ tiền trả, bị hăm dọa sẽ tung thông tin lên mạng, chị T hoảng loạn và được giới thiệu vay tiếp ở một app vay tiền khác. Sau đó, chị lại tiếp tục tìm đến một app khác để vay tiền trả cho app trước đó.
Cứ như vậy, dù cố gắng làm lụng kiếm tiền, chị vẫn không cách nào trả nợ được. Sau hơn nửa năm, số tiền gốc và lãi chị nợ của nhiều app lên đến hơn 200 triệu đồng. Mất khả năng chi trả, liên tục bị khủng bố tinh thần đến hoảng loạn chị T phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan công an.
Ngoài những app cho vay với lãi suất “cắt cổ”, còn có hiện tượng lừa đảo, mạo danh vay tiền tín dụng. Các app này chào mời nạn nhân vay tiền cùng với cam kết thủ tục đơn giản, lãi suất cực thấp, giải ngân nhanh, đồng thời gửi link để khách hàng cài ứng dụng vay tiền. Sau khi làm thủ tục, khách hàng sẽ được báo là “có lỗi giải ngân” và yêu cầu khách hàng nộp tiền để xử lý khoản vay. Khi khách hàng nộp tiền cũng là lúc đối tượng... biến mất. Đã có không ít người bị lừa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho hình thức lừa đảo vay tiền này.
Không muốn vay vẫn bị... ép vay
Không chỉ dụ dỗ đưa khách hàng vào con đường vay “tín dụng đen”, nhiều đối tượng còn “bẫy” khách hàng một cách trắng trợn bằng cách “ép cho vay”.
Như trường hợp chị Ng (38 tuổi, ở Đà Nẵng) nhận được đường link của app cho vay tiền online gửi qua tin nhắn điện thoại với quảng cáo “cho vay 20 triệu lãi suất 0%”. Thấy lãi suất thấp, chị Ng muốn tìm hiểu nên đã điền thông tin đăng kí thành viên app nhưng vừa điền xong, tiền đã chuyển vào tài khoản. Ngay sau đó chị được báo đã giải ngân 1,8 triệu đồng, yêu cầu sau 8 ngày phải trả 3 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Thấy lãi suất quá lớn, chị Ng từ chối không vay nữa nhưng đối phương không đồng ý. Trong thời gian giằng co, số tiền đã lãi mẹ đẻ lãi con, lên đến hàng chục triệu đồng.
Thời gian qua, không ít người dân bỗng nhiên nhận được một số tiền trong tài khoản kèm tin nhắn: “Gửi em ít tiền tiêu dùng”. Chỉ vài ngày sau, bỗng có cuộc gọi tự xưng bên vay gọi báo số lãi suất cần trả cao ngất. Đây là thủ đoạn “ép vay” mới của những tổ chức tín dụng lừa đảo.
Có thể thấy, ngoài thủ đoạn dụ dỗ vay tiền qua app là chiêu trò cũ và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, giờ đây, nhiều hình thức “bẫy” vay tiền tinh vi, trắng trợn đã xuất hiện. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cẩn thận trước những lời chào mời vay tiền qua app, qua mạng xã hội thủ tục nhanh gọn không thế chấp dễ rơi vào “bẫy tín dụng đen”. Ngoài ra, cũng không nên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho bất cứ ai hoặc bất cứ website, ứng dụng lạ nào.
Trân Trân