Vietstock - Đẩy nhanh kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu về doanh nghiệp, đất đai, chứng khoán
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán...
Chiều ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước đó, ngày 6/1, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những kết quả hết sức ấn tượng, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân cùng các bộ, ngành, địa phương trong suốt gần 2 năm vừa qua để đến ngày hôm nay, có được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tập trung, hiện đại. Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân. Góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành và địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu. Góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia gia bằng kỹ thuật số, chuyển đổi thông minh.
Thủ tướng nêu rõ, một mặt, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém về cơ sở dữ liệu của chúng ta, mặt khác, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng lấy ví dụ, việc kết nối hội nghị trực tuyến tới hơn 10,000 xã, phường, thị trấn đã được triển khai chỉ trong vòng 1 tuần.
Thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều cơ sở dữ liệu và sau khi cân nhắc, tính toán, Chính phủ đã xác định lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng chính để kết nối các cơ sở dữ liệu. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tiếp tục khẩn trương xây dựng Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Việc triển khai Đề án là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn (là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay), tiến hành trên phạm vi rộng (triển khai trên toàn quốc, toàn dân) và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan (giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp); trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước hiện nay, đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít "lực cản". Một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý "quyền anh, quyền tôi", tư tưởng cục bộ "cát cứ thông tin"; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành và của xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...
Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ Công an và nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc thực hiện Đề án được xác định là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác để triển khai Đề án.
Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành đang được giao các Cơ sở dữ liệu quốc gia có trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện đảm bảo Đề án thực hiện thành công gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc thực hiện Đề án được xác định là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm COVID-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán. Với những đơn vị chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
"Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương là thời gian đầu triển khai sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Bao giờ khi chuyển đổi trạng thái, khi đổi mới, khi vận hành chưa trơn tru cũng gặp khó khăn, nhưng càng khó khăn, vướng mắc thì càng cần phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tư, các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ năm, cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án.
Thứ sáu, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án. Trong đó, Bộ Công an phải bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. "Các đồng chí cần thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, "làm gương", "làm mẫu", "nói là làm và làm quyết liệt, đến nơi, đến chốn, có hiệu quả", để tạo dấu ấn lan tỏa tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, Thủ tướng tin tưởng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo các hoạt động, xem xét giải quyết các công việc thường xuyên của Đề án. Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tố phó và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan để hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.
Nhật Quang