Vietstock - Đầu tư công – một trong 5 mũi đột phá tăng trưởng
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 và việc giải ngân số vốn này được đánh giá là một trong 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.
* Kịch bản phục hồi nền kinh tế với 5 mũi đột phá
Các chuyên gia đề xuất cần thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh chi tiêu xã hội giảm mạnh.
|
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, một trong những giải pháp quan trọng được Nghị quyết nhắc tới đầu tiên để hoàn thành “mục tiêu kép”, đó là các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, coi đây là 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đang được hoàn thiện và sẽ sớm được Chính phủ ban hành.
Hàng loạt giải pháp mạnh mẽ được đề xuất trong dự thảo, như cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết tháng 9/2020 có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tháng 10 năm 2020.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân có liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần giải ngân hết số vốn này và việc giải ngân phải thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng nhấn mạnh chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho biết, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 ngàn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 ngàn tỷ đồng), bao gồm: 470.6 ngàn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225.2 ngàn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, “thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các cơ quan Trung ương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo sức lan tỏa ra nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Quan điểm quyết liệt của Chính phủ về giải ngân đầu tư công nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương và nhiều chuyên gia kinh tế. Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong "Báo cáo tác động của Covid-19 đến nền kinh tế" vừa được công bố, tác động của đại dịch đến nền kinh tế là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài, một trong các giải pháp chính được các chuyên gia đề xuất là thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh chi tiêu xã hội giảm mạnh.
Nhóm chuyên gia cho rằng, hiện nay, nguồn lực cho chính sách tài khoá khá hạn hẹp, chúng ta khó có thể triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như các nước phát triển. Chính sách tiền tệ còn có độ trễ, do đó sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi bắt đầu kiểm soát được dịch, bắt đầu quá trình hồi phục, hơn nữa nếu lạm dụng có thể gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Do đó, các chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Ở góc độ địa phương, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra trong tháng 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, với số vốn đầu tư công cần giải ngân của Hà Nội năm 2020 khoảng 37 - 40 ngàn tỷ đồng, nếu giải ngân hết thì đây là vốn mồi rất quan trọng, có tác động lan tỏa lớn, nhất là các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu.
Cụ thể, trong năm nay, Hà Nội có 125 dự án chuyển tiếp, đã hoàn thành 25 dự án trong quý I, và các quý khác sẽ tiếp tục thực hiện; 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn lại đã làm xong tất cả thủ tục đầu tư và đang làm thủ tục chọn nhà thầu để có thể khởi công từ nay cho đến cuối năm.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, dù ngân sách của Thành phố năm nay có thể sụt giảm 10 - 12 ngàn tỷ đồng, nhưng Thành phố quyết tâm không cắt giảm đầu tư công mà cố gắng cắt giảm 5% chi thường xuyên sau khi đã cắt giảm 10% so với dự toán trước đây và sử dụng nguồn kết dư ngân sách năm 2019 bù đắp thiếu hụt thu ngân sách theo đúng quy định.
Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, Quảng Ninh đặt quyết tâm cao, phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn trong quý II, chậm nhất trong quý III.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các quy định mới về đầu tư công cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, bảo đảm tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Nhật Quang