Vietstock - Đâu nhất thiết phải mua đô la Mỹ
Với mục tiêu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối lên 100 tỉ đô la Mỹ đến cuối năm nay, Việt Nam liệu có thể làm gì để hoàn thành kế hoạch này mà không để phía Mỹ có cớ trừng phạt vì lý do thao túng tiền tệ, kiềm chế tỷ giá?
* Gắn nhãn 'thao túng tiền tệ': Một đạo luật khắc nghiệt
* Đằng sau cái gọi là thao túng tiền tệ
Đã mua được bao nhiêu ngoại tệ?
Vào giữa tháng 8, bản tin tuần của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (HN:BVS) (BVSC) cho biết, theo một số nguồn tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào gần 2 tỉ đô la Mỹ trong các tuần gần đây. Trước đó, việc NHNN mua vào ngoại tệ cũng được nhiều nguồn tin khác đề cập. Thậm chí có nguồn tin còn cho biết không phải trong các tuần mà chỉ trong vòng có hơn một tuần NHNN đã cung ứng ra hơn 40.000 tỉ đồng để mua ngoại tệ.
Còn theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 của Công ty Chứng khoán SSI (HM:SSI), NHNN đã liên tục mua vào ngoại tệ, tổng cộng khoảng 3,3 tỉ đô la, tương đương với hơn 76.000 tỉ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng trong tháng 8. Trong khi đó, báo cáo vĩ mô tháng 8 của Công ty Chứng khoán BIDV (HM:BID) (BSC) ước tính giá trị mua ngoại tệ của NHNN trong hai tháng 7 và 8 ở khoảng 3,5 tỉ đô la.
Về phía nhà điều hành, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương ngày 17-8, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ đã nâng dự trữ ngoại hối lên gần gấp 3 lần so với năm 2015, tức xấp xỉ 85,8 tỉ đô la từ mức 28,6 tỉ đô la của năm 2015, theo đó tăng thêm 1,8 tỉ đô la so với mức 84 tỉ đô la công bố vào đầu tháng 4 năm nay. Con số này cũng gần với mức mua vào mà BVSC công bố đầu tiên vào giữa tháng 8.
Và mới đây nhất, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỉ đô la, mức kỷ lục mới của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại hối đã tăng ròng 12 tỉ đô la so với cuối năm 2019, tăng thêm 8 tỉ đô la so với số cập nhật vào đầu tháng 4, chênh lệch đến 5,5 tỉ đô la so với con số của BSC đưa ra.
Tổng ba tài sản gồm trái phiếu Mỹ, SDR và vàng cũng chỉ ở mức hơn 31,3 tỉ đô la, chỉ chiếm 34% tổng dự trữ ngoại hối theo công bố mới nhất là 92 tỉ đô la. Phần còn lại, có lẽ là trái phiếu của các nước khác hay ngoại tệ mặt, có lẽ chiếm một tỷ trọng lớn để đảm bảo cho các nhu cầu nhập khẩu và can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết. |
Cơ cấu dự trữ ngoại hối
Thống kê lại các dữ kiện trên để tìm hiểu xem mức tăng thêm của dự trữ ngoại hối biến động ra sao và liệu mức tăng mạnh như trên có phải là do NHNN đã mua mạnh ngoại tệ vào, hay còn có sự đóng góp bởi giá trị tài sản trong dự trữ ngoại hối gia tăng. Nếu chỉ đơn thuần đến từ việc NHNN mua ngoại tệ vào, thì con số chênh lệch đến 5,5 tỉ đô la nói trên là đáng kể, hoặc chỉ trong thời gian ngắn cuối tháng 8 và những ngày đầu tháng 9, nhà điều hành đã mua thêm một lượng lớn ngoại tệ?
Theo Nghị định số 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối, thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm: ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài; chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành; quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (SDR); vàng do NHNN quản lý; các loại ngoại hối khác của Nhà nước. Nghị định cũng nói rõ NHNN thực hiện việc đánh giá lại dự trữ ngoại hối nhà nước trên bảng cân đối kế toán của NHNN để theo dõi sự tăng hoặc giảm giá trị dự trữ ngoại hối nhà nước bằng tiền đồng, nhằm phản ánh biến động về tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Từ trước đến nay, đô la Mỹ luôn là đồng tiền dự trữ lớn nhất của các ngân hàng trung ương và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, cần biết rằng các ngân hàng trung ương không phải đều giữ tất cả dự trữ ngoại hối dưới dạng ngoại tệ mặt, mà thường đầu tư phần lớn vào các trái phiếu nước ngoài để sinh lãi. Theo cập nhật của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến cuối tháng 6-2020, Việt Nam đang nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ là 30,3 tỉ đô la(1), không thay đổi nhiều so với cuối năm 2019, tương ứng khoảng 36% tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Với diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm rất mạnh từ cuối năm 2019 đến nay, tức giá trái phiếu tăng, rõ ràng lượng trái phiếu Mỹ mà Việt Nam đang nắm giữ cũng đã tăng thêm giá trị đáng kể trong thời gian qua.
Đối với dự trữ là quyền rút vốn đặc biệt (SDR), theo dữ liệu từ IMF tính đến cuối tháng 8, Việt Nam chỉ đang nắm giữ hơn 276 triệu SDR, tương đương 390 triệu đô la (1 SDR bằng 1,41 đô la Mỹ), chỉ chiếm hơn 0,4% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia(2). Riêng vị thế giao dịch dự trữ với IMF (Reserve Tranche Position) của Việt Nam, được tính bằng hạn ngạch của quốc gia thành viên do IMF chỉ định trừ đi giá trị tiền tệ của quốc gia đó do IMF nắm giữ, chỉ ở mức rất nhỏ là 0,01 triệu SDR (của Mỹ là hơn 22,4 tỉ đô la).
Đối với vàng nắm giữ, theo số liệu từ CEIC, NHNN có 574 triệu đô la giá trị vàng nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối tính đến tháng 6-2020(3). Con số này tăng khoảng 14 triệu đô la so với hồi tháng 5-2020. Theo giá vàng quốc tế giao ngay cuối tháng 6 ở mức 1.780 đô la/ounce, tính ra Việt Nam đang nắm giữ gần 323 triệu ounce, tương đương hơn 10 tấn vàng, gần như không thay đổi so với con số 10 tấn vàng công bố hồi tháng 7-2015, cho thấy lượng vàng trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam rất ổn định trong nhiều năm qua. Nếu quy đổi theo giá vàng thời điểm cuối tháng 8 là 1.968 đô la/ounce, lượng vàng dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đương 635 triệu đô la, tức tăng thêm 61 triệu đô la so với cuối tháng 6. Do vàng chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn chưa đến 0,7% trong cơ cấu dự trữ ngoại hối, nên giá vàng thời gian qua tuy tăng mạnh nhưng chỉ đóng góp một phần nhỏ vào mức tăng thêm dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Như vậy, tổng ba tài sản gồm trái phiếu Mỹ, SDR và vàng cũng chỉ ở mức hơn 31,3 tỉ đô la, chỉ chiếm 34% tổng dự trữ ngoại hối theo công bố mới nhất là 92 tỉ đô la. Phần còn lại, có lẽ là trái phiếu của các nước khác, hay ngoại tệ mặt, có lẽ chiếm một tỷ trọng lớn để đảm bảo cho các nhu cầu nhập khẩu và can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết. Ngoài ra, giá trị các tài sản trong dự trữ ngoại hối nếu có tăng khi đánh giá lại thì có lẽ chủ yếu nằm ở trái phiếu Mỹ, vì tài sản này chiếm tỷ trọng lớn hơn cả.
Tiếp tục đa dạng hóa dự trữ ngoại hối
Theo lời của người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam có kế hoạch tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối lên con số 100 tỉ đô la vào cuối năm nay. Tuy nhiên, gần đây phía Mỹ đưa ra cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, trong đó có cáo buộc vi phạm tiêu chí liên tục mua ròng ngoại tệ, nên một số ý kiến cho rằng Việt Nam khó có thể tiếp tục mua vào đô la để kiềm chế khả năng tăng giá của tiền đồng.
Thực tế là Việt Nam không nhất thiết cứ phải mua vào đô la để gia tăng dự trữ ngoại hối mà có thể dẫn tới bị phía Mỹ trừng phạt, khi còn rất nhiều lựa chọn khác, nhất là đặt trong bối cảnh đô la Mỹ cũng liên tục suy yếu trong thời gian qua.
Theo Nghị định 50, việc xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối phải dựa trên các cơ sở sau: xu hướng biến động tỷ giá, lãi suất và giá vàng trên thị trường quốc tế; tình hình đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới theo thống kê của IMF.
Vì vậy, Việt Nam có thể lựa chọn mua vào các loại ngoại tệ khác để làm giàu kho dự trữ ngoại hối của mình, nhất là đồng tiền của những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam như euro, yen Nhật. Đây cũng là hai đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn sau đô la Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối của nhiều ngân hàng trung ương. Ngoài ra, với việc đồng nhân dân tệ đã được thêm vào rổ tiền dự trữ từ cuối năm 2016, một số ngân hàng trung ương những năm gần đây cũng đưa thêm nhân dân tệ vào tài sản dự trữ chính thức.
Với việc nắm giữ các giấy tờ có giá, trái phiếu của các nước chỉ được hưởng lãi suất ở mức thấp kỷ lục như hiện nay, thậm chí nhiều ngân hàng trung ương còn áp đặt mức lãi suất âm, các nhà quản lý dự trữ ngoại hối tại nhiều quốc gia đang có xu hướng đầu tư cả vào những tài sản rủi ro hơn, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu của chính phủ các nước có thị trường mới nổi để có lợi tức lớn hơn, thậm chí còn có ngân hàng trung ương đầu tư vào cổ phiếu như Thụy Sỹ, Phần Lan...
Và cuối cùng, với giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh, các ngân hàng trung ương cũng đã tăng cường đa dạng hóa đầu tư sang vàng, trong đó, Nga và Trung Quốc tiếp tục là hai nước dẫn đầu xu hướng này. Việt Nam có lẽ cũng nên xem xét tăng thêm lượng vàng nắm giữ trong kho dự trữ ngoại hối, vừa để đa dạng hóa tài sản dự trữ, vừa đón đầu đà tăng của kim loại quý này trước triển vọng các đồng tiền toàn cầu sẽ suy giảm giá trị mạnh trước các chính sách nới lỏng vô hạn hiện nay và trong tương lai.
Triêu Dương