Theo Lan Nha
Investing.com - Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là là việc tăng vốn của các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Hiện 4 NHTM mà nhà nước nắm cổ phần chi phối là BIDV (HM:BID), Vietcombank (HM:VCB), Agribank, VietinBank (HM:CTG) chỉ chiếm hơn 40% thị phần tín dụng của hệ thống, thế nhưng trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 3 năm qua, các ngân hàng này là lực lượng chủ lực trong hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, biến động kinh tế toàn cầu.
Tại Agribank, ngân hàng đã tìm mọi giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, nhất là khách hàng bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt trong tháng 12/2022, Agribank đã dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm 20% lãi suất cho vay đối với đối tượng này.
BIDV cũng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh. Riêng trong năm 2022, BIDV triển khai 16 gói tín dụng, quy mô 700.000 tỷ đồng… giảm doanh thu 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu tính cả năm 2020, 2021 thì BIDV đã dành 19.400 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Về mặt hỗ trợ doanh nghiệp, BIDV luôn đồng hành, theo sát hoạt động của tập đoàn Kangaroo giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm, chính sách tín dụng hợp lý với mức lãi suất phù hợp; qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Có thể thấy, các NHTM có vốn nhà nước luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN); thực hiện giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, song chính họ lại đang đứng trước khó khăn về vốn.
Mặt khác, do vốn điều lệ thấp, nên với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống. Việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết, bởi chỉ khi đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, Agribank mới có nguồn lực để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông. Chính phủ cần triển khai việc tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định. Vì hiện nay hệ số CAR của ngân hàng này đã sát với ngưỡng cho phép, nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.
Mặc dù có lợi thế chủ động hơn Agribank, nhưng các NHTM có vốn nhà nước chi phối vẫn phải chờ sự đồng ý của Chính phủ mới có thể tăng vốn được như kỳ vọng. Thực tế hiện nay, hệ số an toàn vốn của ba ngân hàng còn lại trong Big 4 cũng chỉ cao hơn mức tối thiểu không đáng kể, nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các NHTM có vốn nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn.
Đối với Vietcombank, mặc dù thời gian qua ngân hàng này đã thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn, nhưng hiện hệ số CAR của ngân hàng này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Vietcombank kỳ vọng sớm được phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ. Nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ từ toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước.
Theo thống kê, tính đến tháng 10/2022, hệ số CAR của các ngân hàng quốc doanh nước ta chỉ đạt 9,04%. Mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực, như Philippines (16,29%), Singapore (17,2%), Malaysia (18,3%), Thái Lan (19,3%), Indonesia (23,3%). Hơn nữa, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III, hoặc một phần Basel III, trong khi Việt Nam mới thực hiện Basel II. Hệ số CAR thấp sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng tín dụng của các NHTM nhà nước, qua đó làm hạn chế khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rủi ro như hiện nay. Đáng quan ngại hơn, tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến các NHTM Nhà nước khó có thể duy trì được vị thế chủ đạo của mình trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Vì vậy, việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước là vấn đề rất cần thiết. Bởi ngân hàng đứng vững sẽ hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế. Nếu xem ngân sách là một khoản đầu tư thì đầu tư cho NHTM nhà nước là khoản sinh lời tốt nhất. Trong khi vốn ngân sách đầu tư vào nhiều dự án thua lỗ thì đầu tư vào Big 4 đều đặn sinh lời và hàng năm góp hàng nghìn tỷ đồng thuế cho ngân sách.