Vietstock - Đánh giá bản thân, nhận ra tồn tại
Ảnh hưởng của dịch bệnh có thể sẽ thay đổi vị trí của các quốc gia trên bản đồ quốc tế. Với Việt Nam, có hai vấn đề được đặt ra: giải quyết ra sao hậu quả kinh tế của đại dịch, và xử lý thế nào các tồn tại trong kinh tế và các chính sách phát triển mà dịch Covid-19 đã làm lộ diện?
Và, Việt Nam nên tiếp tục phát huy các yếu tố/ưu điểm trong chiến thắng đại dịch như thế nào cho phát triển trong tương lai?
Lao động giá rẻ như cái bẫy ngăn cản đầu tư phát triển càng muốn thoát lại càng bị mắc bẫy. Ảnh: THÀNH HOA
|
Sự thay đổi là cần thiết để giúp quốc gia vượt qua thách thức. Tuy nhiên, các thay đổi này cần dựa trên các nguyên tắc là nền tảng văn hóa gắn với tự cường; tự do và tự trọng; công khai, minh bạch và ngăn chặn tham nhũng, bất công xã hội. Với cách đặt vấn đề đó, các tác giả đánh giá lại sự phát triển của đất nước, nhận diện các tồn tại của nền kinh tế từ dịch bệnh, để từ đó định hướng về những điều cần thay đổi vì mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam sau đại dịch.
Sự chống đỡ và khả năng phục hồi tùy thuộc vào thực lực của một nền kinh tế, được thể hiện ở hai khía cạnh: cơ cấu kinh tế và sự phụ thuộc của nền kinh tế đó vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, hệ thống quản trị công của quốc gia sẽ là nền tảng cho quá trình chống đỡ và phục hồi nêu trên. Trước mắt, dịch Covid 19 đã làm bộc lộ các tồn tại sau:
Chính sách tăng trưởng nhanh và những thành phần dễ bị tổn thương
Có thể nói, chính sách tập trung cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa ngày một gia tăng (cho đến trước đại dịch) và cơ cấu kinh tế ở Việt Nam có quan hệ hữu cơ với nhau.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn ở mức độ thâm dụng lao động cao và lệ thuộc vào vốn và cả công nghệ (đầu tư) từ nước ngoài. Tuy đã có nhiều cải thiện về mặt thể chế, nhưng việc tập trung cho tăng trưởng nhanh thông qua ưu tiên thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã khiến các chính sách ít thể hiện sự quan tâm đến bình đẳng lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là đời sống của nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Giới chủ doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi các trách nhiệm xã hội cụ thể với người lao động.
Hiệu quả kinh tế thường phải đánh đổi với sự công bằng trong việc tiếp cận và phân chia lợi ích. Cho nên nếu tiếp tục chọn tăng trưởng nhanh thì nhất thiết phải đánh giá lại sự công bằng của quá trình phân chia lợi ích, bao gồm cả những thất thoát của chính tăng trưởng do tham nhũng và tàn phá tài nguyên, nguồn lực của đất nước gây ra.
Một cú sốc như đại dịch Covid-19 chắc chắn làm gãy đổ các mối liên kết kinh tế và tác động lâu dài lên tất cả các đối tượng trong nền kinh tế. Nghịch lý là các đối tượng dễ tổn thương thường không nhận được nhiều lợi ích từ chính sách tăng trưởng nhanh như lâu nay, nhưng lại phải chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn khi có cú sốc.
Khó khăn của doanh nghiệp
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải gánh rất nhiều loại chi phí do thể chế bất cập cũng như do yếu kém trong việc thực thi các chính sách nhà nước. Chủ trương luôn có, pháp luật vẫn hiện diện nhưng việc thực thi là vấn đề của các nước đang phát triển và của cả Việt Nam. Hậu quả là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải gánh nhiều loại chi phí ngoài sản xuất.
Hệ thống thể chế dù đã nỗ lực đổi mới và thay đổi nhưng vẫn còn cứng nhắc và chậm thích nghi với thay đổi. Năng lực của cán bộ trong công tác hoạch định và thực thi chính sách, hệ thống cơ quan dân cử chưa đủ mạnh, cùng với việc hệ thống kiểm tra và cân bằng chưa được đảm bảo đã tạo ra nhiều kẽ hở và cơ hội cho tham nhũng, gian lận nảy sinh và phát triển; hình thành các nhóm lợi ích để bòn rút tài nguyên quốc gia. Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được hình dáng của một xã hội phát triển nhân văn nên các định hướng đi kèm thường có nhiều mâu thuẫn.
Tăng trưởng nhanh, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài thấp và thiếu tính liên kết
Chính sách tăng trưởng nhanh, và thậm chí là nhanh bằng mọi giá, cũng dẫn đến việc dễ dãi chấp nhận các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) kém chất lượng, đặc biệt là về môi trường, điều kiện làm việc của người lao động cũng như tuân thủ các nguyên tắc công khai minh bạch trong tiếp cận các chính sách, tiếp cận các cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam. Điều này gián tiếp làm tăng tình trạng tham nhũng cũng như đối xử không công bằng đối với các nhà đầu tư đến từ các nước có các tiêu chuẩn ràng buộc cao hơn, từ đó hạn chế nguồn vốn đầu tư này.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lớn vào FDI đã lấn át đầu tư trong nước và thiếu tính lan tỏa, trong khi nền kinh tế cần phải dựa vào khu vực kinh tế tư nhân phát triển để đảm bảo sự tự cường của đất nước.
Nghịch lý và cũng là rào cản lớn cho cơ hội của Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình lại ở sự thiếu kết nối giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị mang tính liên kết, điều mà các nền kinh tế như Hàn Quốc, hay Đài Loan đã làm rất tốt trong quá trình phát triển.
Việt Nam sẽ không thể có được một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, để trở thành đầu tàu dẫn dắt quá trình tự lực, tự cường nếu vẫn còn dành nhiều ưu đãi cho khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI.
Rõ ràng, trong bối cảnh chính sách thu hút FDI đã không mang đến cú huých chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước và một nền kinh tế với hai khu vực có tính liên kết yếu, vấn đề chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng nhanh, bền vững cần được đặt ra để từ đó tốc độ tăng trưởng phải hiệu quả hơn tốc độ tăng nợ để không đẩy quốc gia vào tình trạng vỡ nợ và xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, và để các khoản vay nợ được thực sự phát huy và không biến thành tài sản tham nhũng. Câu chuyện lại quay trở về cải cách hệ thống quản trị quốc gia.
Cái bẫy của lao động giá rẻ và sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Việc chạy theo tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh toàn cầu hóa khiến Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào yếu tố lao động rẻ như một lợi thế so sánh của mình cho sản xuất. Lao động giá rẻ đã thâm dụng ngày càng thâm dụng hơn bởi nguồn nguyên liệu rẻ dồi dào từ thị trường Trung Quốc. Điều này vừa như một vòng luẩn quẩn vừa như cái bẫy ngăn cản đầu tư phát triển công nghệ, càng làm sản xuất trong nước lệ thuộc sâu hơn vào thị trường nguyên liệu và cả công nghệ Trung Quốc. Nỗ lực thoát bẫy thu nhập trung bình lại bị mắc bẫy.
Rõ ràng, đại dịch đã giúp chúng ta “mở mắt” để từ đó phải xem xét lại những hệ lụy của chính sách tăng trưởng nhanh trong mối quan hệ với chất lượng vốn đầu tư nước ngoài, mối quan hệ quyền lợi các bên, các nhóm lợi ích, sự lệ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu từ Trung Quốc. Đặc biệt là chính sách tăng trưởng nhanh cũng song hành với tham nhũng gia tăng, khiến năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất cao và cuối cùng ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế cũng như phúc lợi, công bằng xã hội.
Bộ máy hành chính cồng kềnh và tham nhũng cấu kết
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng bộ máy hành chính vẫn rất cồng kềnh và tham nhũng vẫn là rào cản cho nỗ lực chung của quốc gia trong quá trình phát triển tiếp theo.
Bộ máy lớn đi cùng với hiệu lực và hiệu quả thấp đã và đang là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia. Áp lực tài khóa lớn khi phải chi các khoản tiền khổng lồ để duy trì bộ máy, trong khi tham nhũng vẫn luôn xảy ra và thường trực, dẫn tới nguồn lực bị thất thoát và giảm cơ hội cho đầu tư phát triển cũng như tăng áp lực cho gia tăng nợ công quốc gia.
Cơ chế trách nhiệm giải trình đã được nhắc đến nhưng thực sự vẫn chưa đảm bảo để có thể ngăn chặn được tham nhũng. Hàng loạt vụ nâng giá thiết bị y tế của các cơ quan phòng chống dịch bệnh bị phát hiện vừa qua là những minh họa rõ nét cho tham nhũng và thiếu các cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Lê Vĩnh Triển - Nguyễn Quỳnh Huy - Võ Tất Thắng