Vietstock - AMRO: Việt Nam còn dư địa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
“Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và mô hình chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) sau đại dịch Covid-19 sẽ tác động tới sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam”, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) nhận định...
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc và linh kiện điện tử từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản (2019). Đơn vị: tỷ USD.
|
Báo cáo “Vai trò của khu vực FDI trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam” được AMRO công bố cuối tháng 5/2021 đã đưa ra những khuyến nghị dành cho Việt Nam trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu đang bị xáo trộn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
“Sự gia tăng gần đây của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... có thể mang lại cơ hội mới cho Việt Nam trong việc tham gia vào các nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, nhà chức trách cần có sự chuyển hướng để đón dòng FDI trong lĩnh vực này nhất là giai đoạn sau đại dịch”, AMRO khuyến nghị.
MỐI LIÊN HỆ LỎNG LẺO
Tuy nhiên, có một thực tế là, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất khó “chen chân” để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao của Canon Việt Nam cho biết, hiện công ty đa quốc gia này có 340 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó tại Việt Nam có 147 nhà cung cấp và trong số này chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp thuần Việt Nam.
“Con số này cũng chưa tăng lên trong mấy năm qua. Canon đã nội địa hóa 65% nhưng phần lớn lại “rơi” vào các doanh nghiệp FDI. Mặc dù Canon có nhiều hạng mục cần nội địa hóa tại Việt Nam nhưng cho đến giờ quá trình này vẫn đang phải nỗ lực đồng hành cùng với doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Canon”, bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.
Tình trạng này cũng được ghi nhận trong báo cáo của AMRO. Cụ thể, theo AMRO, năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 264,2 tỷ USD, tăng gần 48 lần so với 5,5 tỷ USD khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Trong đó, khu vực FDI đóng vai trò quan trọng vào tốc độ gia tăng nhanh chóng của xuất khẩu trong gần 25 năm.
“Đặc biệt, kể từ khi Samsung có mặt tại Bắc Ninh vào năm 2007, Việt Nam nổi lên là trung tâm sản xuất phần cứng và thiết bị điện tử trong khu vực”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy vậy, dẫn một tính toán từ Ngân hàng Thế giới (WB), AMRO cho biết khoảng 80% thiết bị điện tử và phần cứng được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích xuất khẩu và hầu hết được sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI.
Nếu tính chung tất cả các lĩnh vực, sự tham gia của Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam) vào chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh từ 38,6% năm 2007 lên 52,3% vào năm 2017. Song doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vào các hoạt động gia công thay vì các hoạt động có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng mở cửa thương mại và FDI đã giúp Việt Nam củng cố chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó khu vực FDI đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép Việt Nam tăng cường liên kết vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Sự tham gia của Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam) vào chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh từ 38,6% năm 2007 lên 52,3% vào năm 2017. |
Thống kê cho thấy, FDI vào Việt Nam trong thời gian qua đã tăng theo cấp số nhân. Từ vốn đăng ký 1,3 tỷ USD vào năm 1991, vốn FDI đã tăng lên 168 tỷ USD vào cuối năm 2010 và đến năm 2020 là 384 tỷ USD. Trong khi đó, giai đoạn 2000-2017, tỷ trọng liên kết ngược của Việt Nam (nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài để sản xuất gia công sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba) trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9,5 điểm phần trăm lên 31,7 điểm phần trăm. Trong khi các liên kết xuôi (xuất khẩu nguyên vật liệu sản xuất) vẫn duy trì mức 10,7%.
“Tính đến tháng 3/2020, Tập đoàn Samsung vẫn là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD, trong đó, gần 10 tỷ USD được rót vào nhà máy Samsung Electronics. Chỉ tính riêng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung đã chiếm gần 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, hầu hết các đầu vào sản xuất cho Samsung không đến từ các nhà cung cấp trong nước, do đó làm gia tăng tỷ lệ liên kết ngược của Việt Nam trong những năm gần đây”, báo cáo chỉ rõ.
THÍCH ỨNG VỚI BỐI CẢNH MỚI
Dù đã trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của Panasonic, song ông Lê Cảnh Dương, Tổng giám đốc Công ty VPMS thừa nhận, khi gặp các đơn hàng lớn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam thường e dè vì lo ngại năng lực doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp FDI, nhất là trong “cuộc chơi” đường dài. Vì vậy, trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp sẽ phải bình tĩnh để xử lý từng bước các yêu cầu của bên mua hàng. “Thậm chí, doanh nghiệp có thể đề nghị doanh nghiệp FDI hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp mình để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của họ một cách lâu dài”, ông Dương nói.
Do đó, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, AMRO cho rằng Việt Nam cần có sự thay đổi chính sách.
“Theo dự báo, mối liên kết ngược của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong vài năm tới do cơ cấu xuất khẩu không có sự thay đổi và mức độ hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư FDI vẫn ở mức cao. Mặc dù dòng vốn FDI gia tăng song điều này không đồng nghĩa với việc làm gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu”, báo cáo nhấn mạnh.
Nhưng rõ ràng, mối liên kết chặt chẽ với khu vực FDI sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi gia trị toàn cầu. Theo đó, năng lực hạn chế của các doanh nghiệp trong nước cần phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu cung cấp đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp FDI.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan. Đó là vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, cần nâng cao vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới, và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong xúc tiến liên kết giữa các doanh nghiệp là rất quan trọng.
“Theo dự báo, mối liên kết ngược của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong vài năm tới do cơ cấu xuất khẩu không có sự thay đổi và mức độ hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư FDI vẫn ở mức cao”, báo cáo nhấn mạnh. |
Đặc biệt, trong bối cảnh định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch, các chuyên gia nghiên cứu của AMRO cho rằng các chính sách FDI của Việt Nam cần phải thận trọng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... Trong đó, cần tập trung củng cố khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với khu vực FDI.
Với chi phí lao động cạnh tranh và lực lượng có tay nghề cao, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư FDI thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm lắp ráp toàn cầu mới.
Ngoài ra, sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ FDI mà còn đến từ các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện các chỉ số quan trọng như gia nhập thị trường, tiếp cận điện năng, sở hữu trí tuệ... Điều quan trọng, AMRO cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa để cải thiện những chỉ số này. Do đó, các nhà chức trách phải linh hoạt và có kế hoạch tốt để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
“Đặc biệt, để có thế bắt kịp sự gia tăng của thị trường và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải đáp ứng nguồn lao động có trình độ lao động cao. Ngoài ra, sự thay đổi của môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu có thể mang lại sự thay đổi đáng kể trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cần thích ứng nhanh chóng trước xu hướng vận động và mô hình FDI hiện nay để duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam”, AMRO nhấn mạnh.
Anh Nhi