Vietstock - Đại biểu HĐND TP.HCM (HM:HCM): Lợi dụng pháp luật thông thoáng, doanh nghiệp 'ma' lộng hành
Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM lo ngại tình trạng doanh nghiệp 'ma' trên thị trường đang trở thành vấn đề nhức nhối với nhiều vụ việc đã được phát giác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hàng nhập lậu của một doanh nghiệp "ma" bị phát hiện tại cảng Cát Lái. ẢNH: NG.NGA
|
Ngày 27.6, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề Thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) sau thành lập.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết quy định của pháp luật ngày càng cởi mở hơn trong thủ tục thành lập DN mới, trong đó, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, quy định giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không bắt buộc ghi ngành nghề, DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, hồ sơ đăng ký cũng được đơn giản hóa nhiều thủ tục, giấy phép con.
Do đó, việc thành lập cũng như quản lý DN đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, DN tự kê khai và chịu trách nhiệm với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết một số người đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thành lập nhiều DN hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Nhiều DN vi phạm quy định của pháp luật như kinh doanh khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về kê khai thuế, nộp thuế.
“Tình trạng DN “ma” trên thị trường đang trở thành vấn đề nhức nhối với nhiều vụ việc đã được phát giác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố”, ông Bình lo ngại.
Các khách mời tham gia chương trình đối thoại với chính quyền thành phố. Ảnh: Nguyên Vũ
|
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nhìn nhận thủ tục thành lập doanh nghiệp được rút ngắn đã tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở thành phố, số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh. Các năm gần đây, các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đóng góp cho ngân sách thành phố trung bình khoảng 180.000 tỉ đồng (chiếm 40%). Trong năm 2019, các DN trong và ngoài nước đã đóng góp khoảng gần 440.000 tỉ đồng, chiếm hơn 93% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố.
Thuế TP.HCM trong năm 2019 đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 8.428 tỉ đồng Ông Tống Minh Lễ Phép, Phó trưởng phòng Kê khai – Kế toán thuế thuộc Cục thuế TP.HCM, cho biết năm 2019 đã truy thu, truy hoàn và phạt các doanh nghiệp vi phạm hơn 8.428 tỉ đồng, đã thu nộp vào ngân sách 6.969 tỉ đồng. Để giảm thất thu thuế, ông Phép cho biết ngành thuế sẽ tăng cường phân tích chuyên sâu hồ sơ khai thuế, phân loại DN trọng điểm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh giải quyết đơn thư tố cáo về thuế, xử thông tin giao dịch đáng ngờ và tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an. |
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho biết các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và liên thông Cổng thông tin đăng ký thuế nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tìm hiểu tình trạng pháp lý của DN để hợp tác kinh doanh.
Trước tình trạng một số người lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thành lập doanh nghiệp "ma", kinh doanh biến tướng, trốn thuế, lừa đảo, vi phạm pháp luật, bà Mai cho hay các sở ngành sẽ chủ động tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện hệ thống pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm.
Sỹ Đông