Vietstock - Đa phần doanh nghiệp và người lao động đang sử dụng công nghệ 1.0, 2.0
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong doanh nghiệp (DN) ngày càng trở nên cấp bách. Song số lượng DN sử dụng công nghệ 4.0 hay quy trình số hóa hoàn chỉnh hiện rất ít. Cùng với đó kỹ năng số của người lao động (NLĐ) rất hạn chế.
Hiện đa phần DN sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa công nghệ 4.0.
|
Khoảng cách tới 4.0 còn rất xa
Nhắc đến câu chuyện đầu tư công nghệ hiện đại cho sản xuất trong ngành dệt may, Việt Thắng Jean là một trong số ít cái tên được điểm danh. DN này đã đầu tư hơn 20 triệu USD dây chuyền tự động hóa theo chuẩn châu Âu. Nhờ vậy, từ chỗ phải sử dụng 800 lao động làm thủ công, Việt Thắng Jean chỉ cần khoảng 20 lao động cho những dây chuyền đó.
Việc này đang hỗ trợ rất lớn trong hành trình tăng tốc hoàn thành đơn hàng mùa mua sắm cuối năm của các thị trường nhập khẩu lớn, mang lại hiệu quả lớn trong sản xuất của DN này trên hành trình dài phía trước. Bởi lẽ, ngành may từng là một trong những ngành được dự báo có sự thay thế lớn của máy móc cho sức người.
Ngay từ năm 2016, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã dự báo máy móc sẽ thay thế tới 85% lao động trong ngành. Song cho đến nay số lượng DN đầu tư công nghệ tự động hóa vẫn ít, phần lớn DN vẫn làm gia công, lợi nhuận thấp nên gặp khó trong tái đầu tư.
Không chỉ riêng ngành may, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam việc ứng dụng công nghệ vẫn còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, số lượng DN Việt Nam sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít.
Chỉ 29% DN sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0; 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra bởi chi phí lao động ở Việt Nam hiện còn thấp.
“DN Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này rất lớn” - báo cáo nêu rõ.
Tại lễ công bố báo cáo này ngày 3-11, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy đã chỉ ra thực tế các DN vẫn đang sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.
“Cần có đầu tư tạo động lực cho DN giúp họ đổi mới công nghệ để phát triển bền vững hơn” - Thứ trưởng Duy nhấn mạnh. Nhiều ý kiến kỳ vọng đại dịch có thể trở thành động lực lớn trong hành trình đổi mới công nghệ của DN.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group, chia sẻ lâu nay chuyện đầu tư công nghệ, tự động hóa không phải DN không nhìn ra, nhưng có một số yếu tố khiến việc này chưa được đẩy nhanh. Cụ thể, chi phí lao động còn tương đối thấp trong khi chi phí vốn lại khá cao. Lần dịch này sẽ thúc đẩy các DN mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ, cho thấy với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ 20% DN sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung tại Việt Nam, bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng.
Một thí dụ cụ thể, trong khi hầu hết DN ở Việt Nam có thể thực hiện bán hàng trực tuyến, chỉ 1% DN bán hàng trực tiếp sử dụng phương thức bán hàng kỹ thuật số thường xuyên hơn các phương pháp khác.
Vai trò của NLĐ
Để DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong hành trình chuyển đổi số của mình, vai trò của NLĐ hết sức quan trọng. Song thực tế NLĐ trong các DN hiện thiếu rất nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng số. 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động qua hình thức trực tuyến trên không gian mạng.
NLĐ cũng dần quen thuộc với các hình thức như làm việc nhóm trên nền tảng online, đẩy mạnh tiếp thị số, bán hàng trực tuyến cho DN… Nhưng như thế liệu đã đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay?
Một khảo sát cách đây không lâu của Công ty nhân sự Adecoo, đã chỉ ra 48% người sử dụng lao động mong muốn nhân viên có kỹ năng lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên đám mây trong 3 năm tới.
Tiếp theo là sự hiểu biết về an ninh mạng cơ bản và kỹ năng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Vì các lĩnh vực chính được các DN ưu tiên đầu tư hàng đầu trong 3 năm tới là tiếp thị kỹ thuật số (49%), trí tuệ DN (48%), thương mại điện tử (40%) và dữ liệu lớn (30%). Các DN hy vọng việc đầu tư những lĩnh vực này có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.
Câu hỏi đặt ra, làm sao nâng cao năng lực, kỹ năng của NLĐ? Giáo dục ở nhà trường liệu đã đủ? Bởi hiện nay đa phần DN khi tuyển nhân viên mới tốt nghiệp đều phải đào tạo lại từ đầu. Như vậy vai trò của DN trong nâng cao kỹ năng số cho NLĐ hết sức quan trọng. Khảo sát của Adecoo cho thấy 29% DN vừa và 31% DN nhỏ nhận biết khá rõ về năng lực của từng nhân viên.
Ngoài ra, tỷ lệ nhà lãnh đạo trong các DNNVV cam kết thúc đẩy các kỹ năng số cũng khá cao. Nhưng DN sẵn sàng, còn NLĐ nhất là lao động trẻ vẫn chưa sẵn sàng nâng cao kỹ năng lao động trong đó có kỹ năng số.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng cơ cấu thị trường lao động hiện nay việc làm rất nhiều, nhưng việc làm ổn định có thu nhập tốt, nhất là với những bạn trẻ mới ra trường còn hạn chế. Hầu hết các em sau khi tốt nghiệp do trình độ còn non nớt sẽ vào làm trong các DNNVV, hoặc siêu nhỏ với mức lương thấp.
Lương thấp nhưng khi đi làm NLĐ sẽ phải đối mặt với những áp lực về kỷ luật, công việc… khiến nhiều người cảm thấy chán nản, chuyển qua là công việc khác, thậm chí nhiều người tốt nghiệp cao đẳng, đại học chạy xe ôm công nghệ. Thực tế này cho thấy khả năng chịu áp lực thấp là một trong những điểm yếu của nhiều lao động. Đây sẽ là thách thức cho DN và cho chính NLĐ trong hành trình đổi mới sáng tạo và nâng cao kỹ năng số.
Thanh Lâm