Vietstock - 5 vấn đề cử tri cả nước băn khoăn lo lắng gửi đến Quốc hội
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội
|
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng với quyết tâm chính trị cao về xây dựng chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội ở 02 vùng Trung du miền núi Bắc bộ và miền Tây Nam bộ. Nhất là, Hội nghị Trung ương 5, đã bàn và quyết định 6 nội dung rất quan trọng, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân quan tâm.
Tuy nhiên, ông Chiến nêu rõ, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và Nhân dân còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng về 5 vấn đề chủ yếu.
Thứ nhất, cử tri và Nhân dân trăn trở và lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch COVID-19 gây ra, nhất là sức khỏe tâm thần hậu COVID-19; băn khoăn về việc chậm hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế trong điều trị COVID-19…
Thứ hai, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên , làm giảm sút lòng tin của Nhân dân. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Thứ ba, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về giá cả xăng, dầu, vật tư nông, lâm nghiệp tăng cao; tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội chậm; hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tiến độ triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Thứ tư, cử tri và Nhân dân còn lo lắng thị trường lao động phục hồi chậm, tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn, chưa tìm được việc làm đã rút bảo hiểm xã hội một lần, về lâu dài sẽ không bảo đảm được đời sống; vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn cho người dân như: thiên tai, cháy, nổ, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước... đáng lo ngại.
Thứ năm, dư luận xã hội còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài; về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; về thí sinh tự do thi vào đại học không được cộng điểm ưu tiên theo vùng; còn có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo tổng kết, đánh giá rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống COVID-19; trên cơ sở đó rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế. Có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên cán bộ ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, kẽ hở để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Thêm vào đó, cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách… rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong Nhân dân. Quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai. Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề "tồn đọng" về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, Cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.
Ngoài ra, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí dành thêm thời lượng "giờ vàng" đề cập về những vấn đề mà nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm, những tấm gương tiêu biểu ở cơ sở, cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước; có hình thức phù hợp, tạo điều kiện để cử tri và Nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình./.
Nhật Quang