Vietstock - Xung lực 2019
Nếu bộ máy công quyền các ngành, các cấp làm được như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong sự phát triển của đất nước
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi dịp Tết đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại chỉ đạo một số phương châm hành động. Năm 2017 là "Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững". Năm 2018 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Phương châm của năm nay, 2019, cũng là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", nhưng có thêm cụm từ "bứt phá".
Còn nhiều lực cản
Phương châm dù đúng chỉ mới là khẩu hiệu. Cái khó là biến khẩu hiệu thành hành động thực tiễn để đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là tăng trưởng cao và bền vững; đời sống nhân dân được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; luật pháp nghiêm minh.
Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nhìn nhận tình hình chung đã cải thiện, nổi bật là tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng. Nhờ vậy, niềm tin trong cán bộ và nhân dân đối với Đảng và nhà nước tăng lên. Tuy nhiên, so với nhu cầu của đất nước và nhân dân, so với nỗ lực cạnh tranh, giành lấy cơ hội phát triển của các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới, những thành tựu của chúng ta thực sự còn bé nhỏ, tiến bộ của chúng ta còn chậm và chưa vững chắc. Qua dư luận cử tri và báo chí cho thấy tham nhũng, cửa quyền, vô cảm, tắc trách vẫn còn xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều cấp trong bộ máy nhà nước.
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua; là nền tảng cho kỳ vọng kinh tế năm 2019 tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chúng ta có quyết tâm chính trị cao; kinh nghiệm tích lũy của 30 năm đổi mới và hội nhập; đội ngũ trí thức, khoa học, công nghệ không quá yếu trong số nhiều nước đang phát triển; lực lượng lao động cần cù, thông minh; vẫn còn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chưa khai thác. Vậy vì sao lại phát triển dưới tiềm năng và chậm bước trong các năm qua? Bài toán này cần một bộ lời giải tổng hợp về chính trị, kinh tế - xã hội để khai thông những điểm nghẽn và giải tỏa những lực cản. Những điểm nghẽn và lực cản này khiến cho một số đường lối, chủ trương, chính sách hay và đúng của chúng ta như những mũi tên ngắm rất trúng nhưng bị xô chệch hướng hoặc làm mất đà nên cứ gần đến đích thì rơi xuống.
Đúng lúc và kịp thời
Trở lại với quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng, tôi cho rằng phương châm hành động 12 chữ trên đây của Thủ tướng rất đầy đủ và trúng đích. Chỉ cần người đứng đầu Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng chỉ đạo để bộ máy công quyền các ngành, các cấp, từ trên xuống và từ dưới lên, nói được và làm được như lời Thủ tướng thì sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, trong mọi hành vi và quyết định của mình, cán bộ, công chức phải bảo đảm tiêu chí đúng lúc và kịp thời. Thủ tướng cần xử lý nặng và nghiêm các trường hợp hành động không đúng lúc hoặc không kịp thời của bộ máy công quyền vì đây là căn bệnh trầm kha và nan y của nền hành chính suốt nhiều thập kỷ.
Nhiều người dân ta thán tình hình phổ biến sau đây: chuyện 3 tuần, giải quyết trong 3 tháng, thậm chí 1 năm chưa xong; chuyện phải làm trước thì lại làm sau; chuyện phải làm ngay thì đợi cấp trên nhắc hay đe nẹt mới làm; chuyện phải phòng tránh thì không làm, để xảy ra hậu quả mới đi xử lý thiệt hại; chuyện nhà thì năng nổ, chuyện dân thì bê trễ; chuyện có "bôi trơn" thì làm "ào ào", không có thì "ngâm giấm" hoặc bắt dân phải đi lại nhiều lần…
Theo kinh nghiệm nhiều nước có nền hành chính tốt, để phát hiện sớm và xử lý khách quan các trường hợp không đúng lúc, không kịp thời trong bộ máy công quyền, phải thiết lập đường dây nóng và hệ thống tiếp nhận khiếu nại, tố cáo do một cơ quan độc lập hoặc trên một cấp quản lý.
Tôi có một kinh nghiệm nhỏ về nền hành chính Singapore, khi làm thủ tục hoàn thuế GTGT cho khách du lịch có mua hàng đem về nước. Vừa xong thủ tục, lập tức một nhân viên giám sát từ bên ngoài tiếp cận và đặt câu hỏi: Anh có gặp khó khăn gì trong việc hoàn thuế không? Anh có hài lòng về các nhân viên phục vụ không? Chính phủ cũng cần phát động nhân dân, báo chí tham gia giám sát và xây dựng một bộ máy hành chính đúng lúc, kịp thời; khuyến khích và khen thưởng những cá nhân, tổ chức gương mẫu thực hiện tốt tiêu chí này.
Chỉ cần bảo đảm tiêu chí đúng lúc và kịp thời trong đại đa số các công việc hành chính thì người dân và doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều thiệt hại, chắc chắn sẽ phấn khởi và hoan nghênh Chính phủ. Giải quyết công việc hành chính đúng lúc và kịp thời cũng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả cho xã hội, cho nền kinh tế. Ngay trong Bộ Luật Hồng Đức đời Hậu Lê (1483), các hành vi không đúng lúc, không kịp thời của quan lại hành chính và tư pháp đều bị xử nghiêm, không kém các tội nhận hối lộ hay bức hiếp dân chúng!
Áp dụng chặt chẽ và nghiêm khắc tiêu chí đúng lúc và kịp thời trong các ngành, các cấp hành chính, xử nghiêm mọi vi phạm, tôi tin chắc rằng phương châm 12 chữ mà Thủ tướng đề ra cho năm 2019 sẽ tạo được chuyển biến đột phá chẳng những trong chất lượng và hiệu quả công vụ mà còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA