Vietstock - Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam: Đầu tàu đang hụt hơi
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐ) đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13-2-2014, mục tiêu được đặt ra là vùng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước, có vị trí trong khu vực.
Xếp hạng cạnh tranh của một số thành phố
|
Mới đây hơn, ngày 7-5-2019, trong cuộc họp Tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng 13 với TP.HCM (HM:HCM) cùng 7 tỉnh trong vùng KTTĐ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu “yêu cầu riêng” với TP.HCM và vùng này cũng như “làm rõ việc phát huy vai trò của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp thời gian tới”.
Tuy nhiên, TP.HCM cùng vùng KTTĐ đang có những dấu hiệu hụt hơi trong vai trò đầu tàu đó. Nguyên nhân vì đâu?
Đuối sức cả trong và ngoài nước
Trên thực tế, từ khi được xác định là vùng động lực làm đầu tàu kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước vào năm 1997, vùng KTTĐ đã có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm vùng (GRDP), thu ngân sách thấp hơn bình quân cả nước và so với bên ngoài, sự tụt hậu của vùng KTTĐ càng đáng lo ngại.
Các mục tiêu đặt ra trong quyết định 252/QĐ-TTg rất khó đạt được nếu không có những quyết sách mạnh mẽ. Hội nghị vùng KTTĐ do Thủ tướng cùng ba phó thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 6-5-2019 là một sự khởi động hay thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhưng có lẽ cần nhiều hơn thế.
Vào năm 2001, vùng KTTĐ chiếm khoảng 17.7% dân số, 39.2% GDP và 50.2% nguồn thu ngân sách của cả nước; ba con số tương ứng vào năm 2016 lần lượt là 21.2%, 37.2% và 40.2%. Như vậy, cả vùng là miền đất hứa của rất nhiều người khi hấp thu đến hơn 38% dân số tăng thêm của cả nước.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của vùng KTTĐ đã nhỏ đi một cách tương đối so với cả nước. Tỉ phần thu ngân sách hiện tại nhỏ hơn rất nhiều so với mục tiêu 55-60% vào năm 2020 theo quyết định 252/QĐ-TTg. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của vùng KTTĐ đã thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Điều đáng quan ngại hơn nữa là tốc độ này đã ngày một chậm hơn. Nhìn vào chỉ tiêu bình quân đầu người thì mức độ chậm lại còn lớn hơn nhiều. GDP bình quân đầu người của vùng KTTĐ so với bình quân cả nước từ cao hơn 2.21 lần vào năm 2001 còn 1.75 lần vào năm 2016 và thu ngân sách từ 2.84 lần còn 1.9 lần.
Điều rất đáng quan ngại với cái nôi của kinh tế thị trường này là dù vùng có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước nhưng lại thiếu vắng những thương hiệu lớn, các doanh nghiệp đủ mạnh theo thời gian để có khả năng cạnh tranh quốc tế. Rất khó tìm được doanh nghiệp nổi lên hay có tên tuổi cách đây hai thập kỷ đã vươn lên khẳng định vị thế của mình. Trái lại, nhiều thương hiệu lớn bên ngoài đã vào và đang thống lĩnh thị trường của vùng và cả nước.
Nhìn ra bên ngoài, TP.HCM càng thất thế trong cuộc đua với các đô thị lớn trong khu vực. Tổng hợp một số bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường sống hiện có thì TP.HCM có vị trí bét bảng và điểm số rất thấp so với các thành phố khác. So sánh cụ thể với một số đô thị trong khu vực sẽ thấy một bức tranh chung khá bi quan.
Năm 1992, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992) thành phố này đã tụt hậu hơn 20 năm”. Đã hơn hai thập kỷ trôi qua kể từ đó, và khoảng cách trên có vẻ chỉ ngày càng nới rộng.
Với GRDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua hiện nay, giả sử Bangkok chỉ tăng trưởng khoảng 4%/năm và TP.HCM là 9%/năm thì cũng khoảng hai thập kỷ nữa TP.HCM mới đuổi kịp Bangkok.
Thêm vào đó, sau khi trở thành “bãi đậu xe khổng lồ” vào cuối thập niên 1990, Bangkok đã dần xây dựng được một số cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống đường trên cao, tàu điện ngầm và sân bay quốc tế mới. TP.HCM đang triển khai các kế hoạch tương tự như Bangkok đã làm cách đây 15-20 năm, nhưng tiến độ rất chậm.
Khi so sánh với các đô thị có sự bứt phá rất nhanh như Thượng Hải hay Bắc Kinh..., sự tụt hậu còn nhiều hơn nữa và khoảng cách với nhóm đô thị dẫn đầu như Tokyo, Hong Kong và Singapore thì xa tới mức rất khó hình dung.
Phân bổ nguồn lực không tương xứng
Một điều hết sức đáng chú ý là Đông Nam Bộ cũng như vùng KTTĐ được phân bổ nguồn lực không tương xứng. Một ước lượng hồi quy với dữ liệu bảng giai đoạn 2006-2016 cho chi ngân sách bình quân đầu người với mức giải thích lên đến 87.93% cho thấy Đông Nam Bộ được phân bổ ngân sách bình quân đầu người thấp nhất cả nước, kế đó là Đồng bằng sông Cửu Long và cao nguyên Trung Bộ.
Ước lượng này đã kiểm soát các biến số về công bằng (tỉ lệ nghèo, tỉ lệ đồng bào thiểu số trong dân số, tỉnh biên giới) và hiệu quả (tăng trưởng GRDP, tăng trưởng thu ngân sách, tỉ lệ đô thị hóa, tăng trưởng dân số) cũng như các biến số kiểm soát khác (thời gian, tỉ lệ cán bộ công chức so với dân số, thu ngân sách bình quân người).
Hiểu một cách đơn giản về các biến số trên như: tỉ lệ nghèo cao hơn thì được chi ngân sách cao hơn, số cán bộ công chức nhiều thì chi nhiều...; theo kết quả hồi quy, vùng Đông Nam Bộ có số chi ngân sách/đầu người thấp hơn khoảng 35% so với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tương tự, có một sự khác biệt rất lớn về phân bổ ngân sách giữa vùng Hà Nội và vùng TP.HCM như thể hiện ở bảng 2. Năm 2016, diện tích và dân số vùng Hà Nội so với vùng TP.HCM chỉ là 77% và 94%; GRDP và thu ngân sách bằng 54% và 57%; trong khi tổng chi ngân sách giai đoạn 2006-2016 bằng 129% của cả vùng TP.HCM; chi ngân sách so với GRDP và so với thu ngân sách của vùng Hà Nội cao hơn 2-3 lần vùng TP.HCM. Chi ngân sách bình quân đầu người của vùng Hà Nội cao hơn vùng TP.HCM đến 38%.
Thêm vào đó, việc phân bổ vốn ODA và một số hạ tầng thiết yếu cũng có sự chênh lệch theo vùng miền. Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 42.9% dân số nhưng chỉ có 36.4% vốn ODA do các địa phương quản lý được giải ngân trong giai đoạn 1993-2012.
Nếu phân tích thêm 45.27% vốn ODA liên vùng do các bộ ngành quản lý thì tỉ lệ này có lẽ còn thấp hơn. Trong khoảng 800km đường cao tốc đã được xây thì ba khu vực này chiếm chưa đến 100km, duyên hải Trung Bộ có một đoạn và phần lớn là ở miền Bắc.
Sự thất thế về số chi ngân sách so với GRDP của TP.HCM trong khu vực cũng được thể hiện rất rõ. TP.HCM bằng một phần ba nhóm dẫn đầu (7.8% so với hơn 20% của Bắc Kinh, Thượng Hải), một nửa so với Hà Nội (15.5%) và nằm trong nhóm các đô thị gặp nhiều trục trặc như Jakarta (3.9%) và Manila (1.9%).
Tóm lại, vai trò đầu tàu của vùng KTTĐ đang hụt hơi với tốc độ tăng trưởng chậm hơn bình quân cả nước và năng lực cạnh tranh rất thấp so với các thành phố tương đồng trong khu vực. Có nhiều lý do gây ra tình trạng này. Trong đó, việc được phân bổ ngân sách quá ít, các cơ chế chính sách thiếu tính tự chủ và không thúc đẩy động lực tăng trưởng là những nguyên nhân trọng yếu. Do vậy, để vùng KTTĐ này có thể thực sự phát huy vai trò thì việc dành đủ ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng và cơ chế được phân quyền tự chủ cao hơn là những việc cần làm ngay.
Huỳnh Thế Du