Vietstock - Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!
Nhiều giọt nước mắt tuôn rơi nhưng không bi lụy; nhớ tiếc để làm sống dậy những kỷ niệm thân thương, tươi đẹp; nhiều việc làm tốt, nhiều suy nghĩ tích cực, nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống và trên mạng xã hội trong những ngày này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất xứng đáng là Người Cộng sản Chân chính, Nhà văn hóa lớn, Người học trò rất xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối ưu tú của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất xứng đáng là Người Cộng sản Chân chính, Nhà văn hóa lớn, Người học trò rất xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối ưu tú của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta.
Những ngày qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hết sức đau buồn, tiếc thương về việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng và từ biệt chúng ta. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với gia đình Tổng Bí thư đã ra Thông cáo đặc biệt về sự kiện này.
Cả nước tràn ngập niềm tiếc thương vô hạn, lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, tận tụy, gương mẫu của Đảng ta, quân và dân ta. Nhiều giọt nước mắt tuôn rơi nhưng không bi lụy; nhớ tiếc để làm sống dậy những kỷ niệm thân thương, tươi đẹp; nhiều việc làm tốt, nhiều suy nghĩ tích cực, nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống và trên mạng xã hội những ngày qua.
Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Lãnh đạo các nước: Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN; nhiều nước, nhiều đảng cầm quyền, đảng chính trị, các tổ chức quốc tế đã đến các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để viếng hoặc gửi điện, thư chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người bạn đặc biệt Lào tuyên bố để Quốc tang tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 25 đến 26/7/2024, treo cờ rủ và hạn chế mọi hoạt động vui chơi giải trí trong thời gian Quốc tang; cử Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào do đồng chí Thongloun Sisoulith - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu sang Việt Nam dự Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thủ đô Hà Nội. Trước đó, chiều 20/7, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến đặt vòng hoa viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Cuba để tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 20 và 21 tháng 7 (giờ địa phương) và tiến hành các hoạt động theo nghi thức quốc tang suốt cả ngày 22/7.
Các chính khách, học giả nổi tiếng; các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế đều bày tỏ nỗi tiếc thương sâu sắc, sự kính trọng chân thành, đánh giá rất cao vai trò, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc Đổi mới của Việt Nam, quá trình hội nhập của Việt Nam với cộng đồng thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; các tầng lớp nhân dân ta ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài coi sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như là sự mất mát người ruột thịt yêu kính, quý mến, gần gũi, thân thương - một sự mất mát to lớn khó bù đắp.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo, nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí luôn tự nhủ lòng mình; căn dặn cán bộ lãnh đạo và đảng viên phải nắm vững lý luận chính trị, lý luận kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chủ động nâng tầm tư duy, coi trọng tổng kết thực tiễn, xác định đúng cơ sở khoa học cho quá trình hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đổi mới, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người. Con người là chủ thể, là trung tâm, là động lực, là mục tiêu để phát triển bền vững đất nước.
Cho đến những ngày gần đây, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, thể lực yếu dần nhưng trí tuệ, tâm huyết, hoài bão của đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên, vẫn rực sáng. Đồng chí trao đổi, căn dặn các đồng chí lãnh đạo cấp cao: Để phục vụ và góp phần đạt được mục tiêu phát triển đất nước ta qua ba dấu mốc quan trọng 2025, 2030, 2045 thì mục tiêu phát triển lý luận của Việt Nam là gì ? Phải chăng, đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện một cách cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới của chúng ta; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nữa nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết rất quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Sau khi đánh giá tổng quát về tình hình thế giới và trong nước, nhận rõ những thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thực, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi".
Đầu năm 2018, khi đón nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời gan ruột: "Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, học tập, công tác".
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng công cuộc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là quốc nạn tham nhũng, tiêu cực. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng ngày 26/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế". Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, luôn nhắc nhở mọi người lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"; tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng "nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả". Vì lẽ đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tập trung đánh vào gốc rễ của nó, đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tổng Bí thư khẳng định: đây là cuộc chiến đấu quan trọng, to lớn, lâu dài, phải làm sao để trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đảng cầm quyền, Nhà nước thực thi quyền lực luôn đứng trước nguy cơ bị lạm quyền, tha hóa, thoái hóa, biến chất, rất dễ mắc phải "khuyết tật bẩm sinh" đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, được nhiều chính khách và học giả quốc tế ghi nhận. Đồng chí nêu tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống giản dị, trong sạch, gần gũi, gương mẫu, lão thực.
Lúc sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: "Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là người cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là "công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân" như Hồ Chủ tịch từng khẳng định".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc với những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ lúc Người vừa đi xa "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn". Tổng Bí thư khẳng định "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đó mới là người cộng sản chân chính !".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất xứng đáng là Người Cộng sản Chân chính, Nhà văn hóa lớn, Người học trò rất xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối ưu tú của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta.
Trong giờ phút đau thương này, tất cả chúng ta hãy đoàn kết cả trăm triệu người như một bên cạnh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biến đau thương, mang niềm tin yêu, kính trọng, biết ơn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành hành động cách mạng, thành mỗi suy nghĩ và việc làm tốt đẹp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin nói lời cảm ơn sâu sắc nhất, lưu luyến nhất đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến về với thế giới người hiền!
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương)