Vietstock - Việt Nam trong hệ sinh thái kinh tế internet ở Đông Nam Á
Tương lai phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế internet Đông Nam Á.
Thiên Ân
|
Để hiểu được lý do vì sao tương lai của Việt Nam lại phụ thuộc vào khu vực, đừng tìm đâu xa, hãy nhìn vào điện thoại di động của bạn.
Nền kinh tế của các “kỳ lân”
Bên cạnh Alibaba (NYSE:BABA), Facebook (NASDAQ:FB) và Google (NASDAQ:GOOGL) Chrome, những ứng dụng như Grab, Lazada và Sendo cũng xuất hiện rất thường xuyên. Sự đa dạng phong phú của ứng dụng di động tại Đông Nam Á chính là biểu trưng cho hoạt động công nghệ năng động trong khu vực. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Google và Temasek đã ước tính được rằng Đông Nam Á sẽ đạt đến một nền kinh tế internet trị giá 200 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vượt bậc trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe đã buộc phải có một sự tính toán lại về con số này.
Báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google - Temasek lần thứ 3 dự đoán rằng nền kinh tế internet sẽ đóng góp 240 tỉ USD vào GDP khu vực tính đến năm 2025. Việt Nam cũng đang đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực. Đến năm 2025, nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ là một động cơ tăng trưởng trị giá 33 tỉ USD, lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á và lớn gấp 11 lần so với năm 2015.
Ngày nay, Đông Nam Á có 350 triệu người dùng internet - một lớp người tiêu dùng ưu tiên di động lớn hơn toàn bộ dân số nước Mỹ, châu Âu và Nhật cộng lại. Số lượng người mua sản phẩm vật chất qua các nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã tăng gấp đôi so với con số chưa đến 50 triệu người vào năm 2015, vượt mốc 120 triệu người vào năm 2018. Trong cùng kỳ, số lượng người dùng hoạt động của các dịch vụ gọi xe cũng đã tăng gấp 4 lên đến 35 triệu.
Người Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục xây dựng nên những công ty dẫn đầu trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp địa phương thống trị ngành thương mại điện tử, lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế internet. Lazada, Shopee và Tokopedia chiếm đến gần 70% trong 23 tỉ USD chi tiêu cho mua sắm trực tuyến trong năm 2018.
Mỗi ngày, có đến 8 triệu cuốc xe được đặt qua các dịch vụ gọi xe tại khu vực Đông Nam Á, đa phần đến từ các startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) của khu vực như Go-Jek và Grab. Trên thực tế, Đông Nam Á có đến 9 startup được định giá trên 1 tỉ USD, áp đảo về số lượng so với các quốc gia khác trên thế giới ngoại trừ 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Anh.
Sự gia tăng về niềm tin của nhà đầu tư càng củng cố tinh thần kinh doanh của người Đông Nam Á. Vào năm 2015, Đông Nam Á là thị trường tiền tuyến của khởi nghiệp lĩnh vực tài chính, với số tiền gọi vốn đầu tư mạo hiểm chỉ ngót nghét 1 tỉ USD. Từ dòng chảy nhỏ đó đã trở thành một “cơn lũ”. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2018, con số gọi vốn đã được nâng lên đến 9,1 tỉ USD. Không chỉ các startup kỳ lân nhận được những khoản đầu tư đáng kể, mà cả hệ sinh thái cũng thu hút nhà đầu tư. Khoảng 24 tỉ USD vốn được huy động kể từ năm 2015 đã được giải ngân cho hơn 2.000 công ty nhỏ hơn trong nền kinh tế internet.
Tiến ra thị trường quốc tế
Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích các công ty internet địa phương mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Hệ sinh thái internet đầy hứa hẹn của khu vực Đông Nam Á có thể trở thành nguồn động lực trọng yếu cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, phát triển kinh doanh và tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, rất nhiều rào cản vẫn còn tồn tại đối với các công ty muốn mở rộng sang tầm khu vực. Một trong những rào cản hàng đầu là thiếu sự hợp tác quốc tế và tiêu chuẩn chung. Những doanh nghiệp trong nền kinh tế internet phải mò mẫm giữa một mê cung hàng chục quy định quốc gia về những vấn đề như lưu trữ dữ liệu và thương mại xuyên biên giới. Phân khúc giải pháp thanh toán quốc gia trong bối cảnh đa phần người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn quen thanh toán bằng tiền mặt hơn cũng tạo ra lực cản và phát sinh chi phí giao dịch cho toàn bộ khu vực kinh tế internet. Một hệ thống thanh toán kỹ thuật số mở và hợp tác quốc tế cùng với dòng dữ liệu tự do trong khu vực sẽ giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam thực hiện những giao dịch xuyên quốc gia trơn tru, đồng thời hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng.
Sự đa dạng đặc trưng của khu vực cũng tạo ra một rào cản khác. Người Đông Nam Á sống trong nhiều môi trường rất khác nhau và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc tuyển dụng nhân tài địa phương với kiến thức địa phương và những kỹ năng phù hợp là vấn đề đau đầu.
Báo cáo kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2018 chỉ ra rằng nguồn nhân lực kinh tế internet có kỹ năng trong khu vực cần phải mở rộng thêm 10% mỗi năm mới đáp ứng được sự tăng trưởng của các doanh nghiệp địa phương. Chính phủ cần phải đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng phù hợp với nền kinh tế internet.
Nền kinh tế internet của Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 4% GDP quốc gia, thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác như Trung Quốc và Mỹ. Chừng nào Việt Nam vẫn còn duy trì sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế internet, thì cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng vẫn còn rất lớn
Rajan Anandan - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google