Vietstock - Việt Nam sẽ trở thành cường quốc điện mặt trời?
Dự kiến có thêm 49 nhà máy điện mặt trời hoà lưới điện trong tháng 6 này, nâng tổng công suất điện mặt trời lên 5.000MW trong một thời gian ngắn.
Nhà máy điện mặt trời do BIM/AC Renewables đầu tư tại Ninh Thuận khánh thành và đóng điện cuối tháng 4 vừa qua.
"Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn", ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019.
Lãnh đạo EVN cho biết, đến ngày 30/5 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia và dự kiến trong tháng 6 này tiếp tục có thêm 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW. Như vậy, Việt Nam sẽ có gần 5.000MW trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ công suất điện mặt trời tăng vọt trong thời gian ngắn vì nhiều nhà đầu tư “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước 30/6/2019 để được nhận ưu đãi về giá từ Chính phủ.
Theo cơ chế hiện tại, chỉ các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 mới được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh cho cả thời gian 20 năm, một mức giá được xem là khá hấp dẫn. Sau thời điểm này chưa có quy định cụ thể về giá mua điện mặt trời.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, đây là chính sách hết sức đúng đắn khi thời gian tới, nguy cơ thiếu điện rất rõ.
"Điện hạt nhân Việt Nam đã dừng rồi, thủy điện có thể nói gần như là cạn kiện, thậm chí các nguồn nước cho thủy điện nhiều khi không đảm bảo. Nhiệt điện cũng gây rất nhiều tác hại. Do đó, hiện Việt Nam đã định hướng tập trung vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời," ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, nhờ vào các chính sách ưu đãi, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời tại Việt Nam.
Dữ liệu do EVN công bố tháng 3 vừa rồi cho thấy đã có 141 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch, trong đó có 95 dự án với tổng công suất 6.127 MW đã ký xong hợp đồng mua bán điện.
Ninh Thuận là tỉnh tập trung nhiều dự án điện mặt trời nhất với các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện có tổng công suất 1.752 MW, tiếp đến là Bình Thuận 1.186 MW, Tây Ninh 708MW, Phú Yên 505MW và Khánh Hòa 220 MW.
Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, việc phát triển điện mặt trời còn nhiều thách thức. Ví dụ, do liên quan đến Luật Quy hoạch nên hàng trăm dự án năng lượng mặt trời bị ngưng trệ, không thực hiện được. Mặt khác, việc đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia cần có nguồn tài chính để đầu tư và kỹ thuật của ngành điện.
Ông Lâm cho biết thêm, vấn đề khó khăn nhất là giải toả công suất khi hàng loạt các doanh nghiệp điện mặt trời cùng đấu nối lưới điện quốc gia. Để đầu tư được đường dây 220KV phải mất từ 3 - 5 năm, còn với đường dây 500KV thời gian dài hơn. Trong đó, lâu nhất là các thủ tục đất đai, đất rừng phải xin ý kiến Thủ tướng. Do đó, việc thực hiện đấu nối có thể sẽ mất nhiều thời gian.
Để đáp ứng để yêu cầu đấu nối khi hàng loạt các doanh nghiệp điện mặt trời cùng hoà vào lưới điện quốc gia, theo ông Lâm, các doanh nghiệp cần thực hiện một số văn bản pháp quy mà Bộ Công thương đã quy định.
Trong tháng 3, EVN đã họp với các nhà đầu tư để ký hợp đồng mua bán điện. "Khoảng 200 nhà đầu tư đã đến EVN để cùng tháo gỡ, giải toả vấn đề về công suất một cách nhanh nhất", ông Lâm nói.
EVN đã thành lập tổ công tác tại các công ty điện lực, đặc biệt ở các vùng có nhiều dự án điện mặt trời. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể lên website để theo dõi tiến độ. Đồng thời, EVN cũng đã rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ đấu nối cho các nhà đầu tư xuống chỉ còn một nửa, doanh nghiệp được phép khai báo trực tuyến.
Minh Anh