Vietstock - Tỷ lệ nợ công của Việt Nam ngày càng giảm mạnh
Tỷ lệ nợ công giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP xuống còn 61,4% GDP cuối năm 2017...
Riêng năm 2018, nợ công chỉ còn ở mức 6%. Ảnh minh họa: Quang Phúc.
|
Nếu như giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam ở mức bình quân là 18,1%/năm thì giai đoạn 2016 - 2018 đã kéo xuống bình quân còn 8,6%/năm.
Thông tin với báo chí về kết quả của lĩnh vực quản lý nợ công và tài chính đối ngoại năm 2018, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tốc độ tăng nợ công cũng như trần nợ công đã được kiểm soát trong ngưỡng an toàn.
Cụ thể, nếu trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam ở mức bình quân là 18,1%/năm thì giai đoạn 2016 - 2018 đã kéo xuống bình quân còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ còn ở mức 6%.
Về trần nợ công, tỷ lệ nợ công giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP xuống còn 61,4% GDP cuối năm 2017. Theo ông Long, còn khoảng thời gian đến hết tháng 1 để thanh toán các khoản giải ngân nên ước tính dự nợ công của năm 2018 ở mức dưới 61% GDP.
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu nợ công trong năm 2018 cũng được triển khai theo hướng bền vững, hiệu quả, tích cực về cơ cấu, kỳ hạn, lãi suất, đảm bảo khả năng trả nợ.
Đối với trái phiếu Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2018 đã đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ, giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 53,1%.
Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên (bao gồm kỳ hạn dài 20-30 năm) để kéo dài kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất huy động trái phiếu. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Một điểm đáng chú ý nữa trong công tác quản lý nợ công và tài chính đối ngoại năm 2018 là triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm.
"Năm 2018 có thể xem là năm hiếm hoi bởi Việt Nam được hai trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng", ông Long nói.
Theo đó, trong năm 2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức ổn định từ mức tích cực. Fitch nâng hạng Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định.
"Bên cạnh nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp giảm chi phí huy động vốn vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, nâng bậc tín nhiệm quốc gia còn có tác động tích cực đối với xếp hạng của các ngân hàng trong nước", lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nhận định.
DUYÊN DUYÊN