Vietstock - Tuyến đường sắt thúc đẩy liên kết vùng
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với dự kiến kinh phí hơn 160.000 tỉ đồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việc đầu tư tuyến đường sắt này nhằm kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt, tối ưu hóa khả năng khai thác tuyến, kết nối mạng lưới đường sắt quốc gia với các cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kết nối đường sắt Việt Nam - Trung Quốc
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án quan trọng quốc gia, đã được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1769/TTg ngày 19-10-2021. Tuyến bắt đầu từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc (thuộc TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), kết thúc điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất |
Theo nghiên cứu của tư vấn, nhu cầu vận tải trên tuyến đường sắt này đến năm 2030 ước đạt 12,77 triệu tấn hàng hóa và 4,65 triệu hành khách; đến năm 2040 tăng lên 14,94 triệu tấn hàng hóa và 6,22 triệu hành khách và đến năm 2050 đạt 17,48 triệu tấn hàng hóa cùng 8,31 triệu hành khách.
Trên tuyến quy hoạch 36 ga, trong đó ga Lào Cai vừa là ga lập tàu vừa đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế và 4 ga hàng hóa gồm ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ và Đình Vũ.
Về phương án chạy tàu, tàu khách và tàu hàng sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc tại ga Lào Cai, sau đó qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Để kết nối với các cảng biển khu vực Hải Phòng, tàu sẽ từ ga Nam Hải Phòng đi đường nhánh tới cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn. Phương án tuyến đường sắt trên kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai, với khổ ray 1.435 mm trong tương lai, tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc. Vận tốc thiết kế chạy tàu 160 km/giờ.
Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2025, phấn đấu khởi công năm 2027 và đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt này tiêu chuẩn đường đơn, điện khí hóa, khổ 1.435 mm, với tổng nhu cầu vốn là 160.770 tỉ đồng. Giải pháp huy động vốn gồm ngân sách trung ương, vốn vay ưu đãi, nguồn lực xã hội hóa để tổ chức đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt này.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đề nghị đơn vị tư vấn tính toán phương án xây dựng hướng tuyến bảo đảm các yếu tố kỹ thuật để có điều kiện nâng cao tốc độ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Hướng tuyến phải bảo đảm kết nối tốt với các tuyến cao tốc đã được quy hoạch, với các khu công nghiệp, khu du lịch, sân bay, kết nối Đông Tây với các tỉnh lân cận.
Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, tỉnh đồng thuận và thống nhất cao về sự cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt này. "Tỉnh Yên Bái cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao với Bộ GTVT nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để dự án sớm được triển khai xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương" - ông Phước cho hay.
Vận tải chất lượng cao
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mới đây đã đồng chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo đầu kỳ dự án này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được xác định trong các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng (trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng), các quy hoạch tỉnh.
Tháng 8-2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện bộ đang tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đã làm việc với 9 địa phương dọc tuyến để thỏa thuận hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga.
Để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án, Bộ GTVT đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để rà soát báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Phía Trung Quốc cũng đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 10-2024 để phối hợp với tư vấn Việt Nam trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết xây dựng mới tuyến đường sắt này kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc nhằm triển khai kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường"; đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ GTVT ngay giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phải thuê tư vấn độc lập, có kinh nghiệm dày dạn, trình độ và uy tín trong lĩnh vực đường sắt để hỗ trợ Việt Nam trong thẩm định tư vấn.
"Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh chủ trương bên cạnh xây dựng các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc thì việc hợp tác phải giúp phát triển ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam. Mục tiêu quan trọng hướng tới là có thể độc lập, tự chủ trong thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý, nguồn nhân lực…" - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói và lưu ý việc xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong mạng lưới đường sắt Việt Nam.
Tiến tới làm chủ công nghệ Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tất cả đối tác nước ngoài tham gia tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo cho đối tác của Việt Nam. Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chuẩn bị phương án lựa chọn các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư, nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận công nghệ để hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp đường sắt. |
Văn Duẩn