Vietstock - Tranh cãi chuyện tính toán kinh tế ngầm vào GDP
Lượng hoá kinh tế ngầm không phải để 'làm đẹp số liệu', nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn khi nhiều hoạt động ngầm chưa được thừa nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý để tránh phải nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện các quy định của nhà nước về mức lương tối thiểu...
Hoạt động ngầm cũng không phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Chưa kể trong kinh tế ngầm còn có các hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm.
Chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc thống kê các hoạt động kinh tế trên vào GDP là cần thiết, dù không dễ.
Những năm 90 thế kỷ trước, cơ quan thống kê đã tính toán, ước tính quy mô kinh tế ngầm khoảng hơn 10% GDP. Cách đây 10 năm cũng có những đánh giá của các cơ quan, tổ chức thực hiện đo lường bằng lượng tiền mặt ngoài lưu thông, cho thấy giá trị khu vực này tăng 20-40% GDP so với trước. "Tất nhiên đây là những kết quả đo lường của các tổ chức khác nhau, cho ra dữ liệu chưa thống nhất. Nhưng điều này cho thấy quy mô kinh tế ngầm thay đổi khá nhanh", ông nói.
Hàng quán kinh doanh của các hộ gia đình nằm trong diện "khu vực kinh tế chưa được quan sát" mà cơ quan quản lý muốn đo đếm. Ảnh: Giang Huy.
|
Tuy nhiên, việc đo lường "khu vực kinh tế chưa quan sát" không dễ khi chưa làm rõ được khái niệm khu vực phi chính thức cũng như việc dùng phương pháp nào để kiểm soát chúng... Bản thân ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) trong nhiều lần chia sẻ trước đây cũng thừa nhận khó thu thập thông tin theo cách chính thống do những quan điểm, cách hiểu khác nhau.
Dẫu vậy, theo ông Lâm, kinh tế phi chính thức chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa quan sát. Hiện cơ quan thống kê đã thu thập và có điều tra trong nhiều năm với 3 thành tố gồm kinh tế phi chính thức (như hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh, xe ôm...); hoạt động hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu của cơ quan thống kê.
Tuy nhiên dưới góc nhìn của mình, chuyên gia Bùi Trinh tỏ ý nghi ngờ việc đo lường khu vực kinh tế ngầm khi chưa có hệ thống quản lý xuyên suốt, hoàn chỉnh và chưa được cơ quan quản lý thừa nhận. "Chưa nói tới chuyện có cập nhật các dữ liệu này vào GDP hay không, ngay việc lượng hoá các hoạt động ngầm là điều không thể. Còn nếu ghi nhận các thành tố này đồng nghĩa cơ quan quản lý thừa nhận các hoạt động ngầm như tham nhũng, lót tay, buôn lậu, mại dâm... tồn tại và lâu này đã lãng quên nó", chuyên gia Bùi Trinh nói.
Ông Trinh đơn cử, một khi những hoạt động ngầm chưa được công nhận và còn tình trạng kế toán hai sổ: báo cáo thuế và nội bộ riêng, thì việc thống kê các hoạt động này không dễ. Ngay tại các nước phát triển, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp cũng gặp khó khăn. Các quốc gia đã đưa kinh tế chưa quan sát được vào GDP như Australia, Mexico... cũng chỉ lượng hoá được những hoạt động tự tiêu, tự sản, hoạt động kinh tế bị bỏ sót.
Bên cạnh đó, ông Trinh cho rằng nếu tìm cách đo kinh tế ngầm chỉ để làm tăng quy mô GDP, chứng minh tỷ lệ nợ công thấp hơn, bội chi/GDP không lớn... thì không mang lại lợi ích gì, nếu không thực sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về nợ công, thu chi, đặc biệt là chi ngân sách.
Cách tốt nhất để quản lý kinh tế ngầm, ông Trinh nói, là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân. "Khi còn lót tay, tham nhũng thì kinh tế ngầm còn dư địa phát triển và cũng không thể thống kê được, chưa nói tới việc lượng hoá nó để đưa vào GDP", ông nói.
Nguyễn Hoài