Vietstock - Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho xe buýt
Năm 2019, ngân sách TP.HCM phân bổ cho trợ giá xe buýt ở mức 1.000 tỉ đồng, thấp hơn cả mức trợ giá năm 2018, khiến nhiều hợp tác xã xe buýt lo ngại hoạt động của xe buýt tiếp tục khó khăn.
Thời gian qua, hoạt động của xe buýt gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ - Ảnh: Q.ĐỊNH
|
Năm 2018, kinh phí trợ giá được duyệt từ đầu năm là 1.000 tỉ đồng không đủ bù đắp cho hoạt động xe buýt, khiến nhiều xã viên "không thể cầm cự" do thu không đủ bù chi.
Vào những tháng cuối năm 2018, nhiều tuyến xe buýt trên địa bàn TP đã tạm ngưng hoạt động. Để hoạt động xe buýt không bị đình trệ dây chuyền, cuối năm 2018 TP đã phê duyệt bổ sung 123 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt.
Trong cuộc họp với Ban kinh tế ngân sách HĐND TP mới đây, ông Nguyễn Văn Triệu (Hợp tác xã 19-5) bày tỏ quan ngại khi nghe thông tin dự toán ngân sách dành cho trợ giá xe buýt năm 2019 chỉ ở mức 1.000 tỉ đồng.
Ông Triệu chia sẻ: "Mức trợ giá 1.000 tỉ đồng bằng với mức trợ giá năm 2018, khi chưa bổ sung 123 tỉ đồng. Với mức trợ giá này, hợp tác xã của tôi lỗ gần 18 tỉ đồng. Vì vậy, với mức trợ giá 1.000 tỉ đồng trong năm 2019, hoạt động xe buýt sẽ tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn, nhiều hợp tác xã sẽ lâm vào đường cùng".
Trước nỗi lo của các hợp tác xã xe buýt, ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết hiện sở đang nghĩ nhiều hướng tìm nguồn thu cho hoạt động xe buýt. Trong đó có phương án chắc chắn thực hiện là tăng giá vé xe buýt.
Theo ông Lâm, qua khảo sát đối với hành khách, xã viên, việc tăng giá vé xe buýt với mức tăng 1.000 đồng/vé sẽ không ảnh hưởng nhiều người đi xe buýt. Dự kiến khi tăng giá vé, mỗi năm doanh thu bán vé thu về thêm khoảng 200 tỉ đồng để bù vào phần trợ giá xe buýt. Khoảng quý 2 năm nay sẽ chính thức tăng giá vé xe buýt.
Một phương án nữa là Sở Giao thông vận tải TP yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP xây dựng lại đề án quảng cáo trên xe buýt nhằm tăng nguồn thu. Hiện TP có hơn 2.000 xe buýt trên 100 tuyến xe được mang ra đấu giá quảng cáo trên thân xe.
Tuy nhiên, qua hai lần đấu giá, chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Koa Sha (Nhật) trúng thầu gói quảng cáo số 1 với giá 161 tỉ đồng trên 492 xe buýt. Còn việc quảng cáo trên các xe còn lại dù đã đưa ra đấu giá nhiều lần (dự kiến thu được 177 tỉ đồng/năm) nhưng không đơn vị nào tham gia...
Một số giải pháp phát triển xe buýt Xe buýt TP.HCM chỉ mới đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại của người dân trong năm 2018. Như vậy, liệu mục tiêu đến năm 2020 xe buýt đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân như Sở Giao thông vận tải TP đưa ra có thực hiện được? Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết sở đặt ra chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị năm 2019 đáp ứng từ 11,2% và đến năm 2020 đáp ứng từ 15% nhu cầu giao thông đô thị. Để đạt được những chỉ tiêu trên, sở đề ra một số giải pháp như: nâng cao năng lực các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ thông qua tiêu chí đánh giá, sàng lọc các đơn vị yếu kém. Hỗ trợ các hợp tác xã vận tải xe buýt chuyển đổi sang doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung, mời gọi các đơn vị có năng lực tham gia cung ứng dịch vụ bằng xe buýt. Ngoài ra, một số giải pháp về tổ chức giao thông cũng được triển khai ngay trong năm 2019, tổ chức thí điểm làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, sau đó sẽ tổng kết để nhân rộng trên một số tuyến đường TP. Đây là giải pháp giúp xe buýt có thể đi lại thuận tiện, giảm nguy cơ tai nạn hoặc va chạm với xe máy, thu hút người dân sử dụng... Mở mới 20 tuyến xe buýt gắn với các khu đô thị tập trung đông người, cảng hàng không; phát triển các loại hình giao thông công cộng như xe đạp, xe điện dùng chung; triển khai các tuyến giao thông thủy hỗ trợ kết nối với đường bộ; đẩy nhanh tiến độ tuyến buýt nhanh số 1; phát triển mạng lưới xe buýt đưa rước HSSV... Ngọc Ẩn - Thu Dung |
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ