Vietstock - Tiết kiệm chi phí chính thức, chi phí 'lót tay' từ chữ ký số
Người dân, doanh nghiệp (DN) thở phào vì có thể trút được gánh nặng thủ tục hành chính từ cuộc cách mạng công nghệ số.
Người dân tìm hiểu thông tin tại UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
|
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định phê duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia bằng chữ ký số khiến người dân, DN thở phào vì có thể trút được gánh nặng thủ tục hành chính từ cuộc cách mạng này.
Vẫn thích in văn bản, ký tên, đóng dấu
Trên thực tế hiện nay, dù nhiều cơ quan đã công bố đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng mới một phần trong quá trình thực hiện các thủ tục là qua mạng, còn lại vẫn trực tiếp đến nơi thực hiện. Mới làm thủ tục thành lập DN đầu tháng 2, một doanh nhân tại TP.HCM kể, bước đầu điền hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng. Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo hồ sơ đã hợp lệ (nếu có chỉnh sửa thì sẽ thông báo trước đó) thì DN phải in ra toàn bộ hồ sơ này và ký tên đóng dấu đem lên nộp và mới nhận được giấy phép thành lập DN. "Tại sao sau khi kiểm tra hồ sơ đầy đủ hợp lệ rồi không cấp giấy phép luôn mà phải đợi DN in hồ sơ nộp trực tiếp? Hoặc theo quy định hiện nay, khi DN quyết toán thuế hoàn toàn thực hiện qua mạng nhưng cá nhân quyết toán thuế thì vẫn phải in ra giấy để nộp cho cơ quan thuế" - vị này đặt vấn đề.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang phân tích: Nghị định 119 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã có hiệu lực, trong đó quy định DN muốn đăng ký hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chỉ cần điền theo mẫu tại trang web của Tổng cục Thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận trong thời gian 1 ngày làm việc sau khi nhận đơn của DN. Thế nhưng cho đến nay, mẫu đăng ký này vẫn chưa có trên mạng. Hay một ví dụ khác, cơ quan thuế đã chấp nhận hóa đơn không cần đóng dấu nhưng với những người nước ngoài, khi sử dụng hóa đơn đó để được hoàn thuế tại hải quan sân bay thì hải quan không chấp nhận và vẫn đòi hóa đơn có đóng dấu.
"Vậy khi áp dụng hóa đơn điện tử thì thế nào? Chỗ nào để cho hải quan và ngân hàng ký xác nhận cho người được hoàn thuế như hóa đơn giấy hiện nay?" - luật sư Trần Xoa thắc mắc và phân tích “Hiện nay hầu hết DN đã có chữ ký số để thực hiện khai thuế điện tử, chuyển tiền điện tử hay nộp hồ sơ quyết toán thuế. Tại sao vẫn còn duy trì một số thủ tục yêu cầu phải in văn bản ra ký tên đóng dấu. Điều này cho thấy nhiều nơi chỉ mới bước một chân trong việc thúc đẩy các dịch vụ công qua mạng.
Giảm cả chi phí "lót tay"
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới được ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố, Chính phủ có thể tiết kiệm được 1.200 tỉ đồng nếu sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Trong đó riêng chi phí bưu chính đã tiết kiệm được khoảng 575 tỉ đồng. Việc xử lý văn bản nhanh hơn gấp 5 lần so với trước đây. Đáng nói dù sử dụng chữ ký số tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức như vậy nhưng chủ yếu vẫn trong việc nộp thuế điện tử, khai hải quan điện tử. Còn đa số các cơ quan nhà nước vẫn còn thói quen làm việc dựa trên văn bản giấy.
Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Ảnh: Ngọc Dương
|
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Công ty BKAV, nhận xét nếu tiến đến các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất là tất cả đều dưới dạng điện tử thì cần phải áp dụng chữ ký số trong mọi dịch vụ. Bên cạnh đó, làm thế nào để triển khai các giải pháp hành chính trên thiết bị di động thay vì chỉ sử dụng trên máy tính như hiện nay. Vì vậy cần bổ sung các quy định về chữ ký số trên thiết bị di động cho cá nhân. Hiện công nghệ đã sẵn sàng nhưng hành lang pháp lý chưa theo kịp, chưa bao quát hết vấn đề này trong khi các nước trên thế giới đều đã áp dụng.
“Trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử nói chung, chữ ký số cần được quy định sử dụng rộng rãi không chỉ có áp dụng ở các cơ quan nhà nước, DN mà cả người dân. Nhưng đó chỉ là một phần. Vấn đề công nghệ hay chi phí không khó nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết tâm triển khai của Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Vì vậy có thể cần xác định lộ trình cụ thể với các mốc thời gian để thực hiện nhanh hơn”, ông Ngô Tuấn Anh nhận định.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế nói thẳng: Áp dụng chữ ký số, văn bản điện tử không chỉ giảm được chi phí tiền bạc, thời gian, công sức của người dân, DN mà còn giảm cả khoản "lót tay" khi đến các cơ quan công quyền. "Có thể vì thế nên nhiều đơn vị vẫn không nỗ lực số hóa các quy trình thủ tục hành chính chăng? Bởi không gặp mặt trực tiếp thì cơ hội tham nhũng vặt của cán bộ công chức trong bộ máy hành chính công cũng giảm hẳn. Nhũng nhiễu, chi phí lót tay là vấn đề tồn tại lâu nay và chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả. Áp dụng Chính phủ điện tử một cách triệt để là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng này" - vị chuyên gia đề xuất.
Mai Phương