Vietstock - Tiếp tục 'khui' hàng loạt sai phạm tại SAGRI
Thanh tra TP.HCM tiếp tục 'khui' hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI).
Dự án phát triển nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B mà SAGRI chuyển nhượng “giá bèo”. Ảnh: Công Nguyên
Trong khi hàng loạt sai phạm tại SAGRI bị phát hiện trong năm 2017 - 2018 chưa được xử lý dứt điểm, mới đây Thanh tra TP.HCM đã có Kết luận số 05/KL-TTTP-P7 gửi Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM… về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án (DA) và chuyển nhượng DA tại SAGRI, trong đó nêu hàng loạt sai phạm tại “ông lớn” này.
Chuyển nhượng đất dự án "giá bèo"
Trong số các sai phạm bị phát hiện đợt thanh tra này, nghiêm trọng nhất là việc chuyển nhượng đất DA “giá bèo”.
Điển hình là phi vụ chuyển nhượng DA phát triển nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B (Q.9). Tháng 3.2009, UBND TP chấp thuận chủ trương cho SAGRI chuyển mục đích sử dụng đất đối với mặt bằng tại KP.4, P.Phước Long B của Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long sang đất xây dựng chung cư; tổng mức đầu tư DA hơn 817 tỉ đồng. Đến tháng 11.2010, UBND TP duyệt giá trị quyền sử dụng đất với diện tích hơn 36.676 m2; nghĩa vụ tài chính phải nộp vào ngân sách hơn 128 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện SAGRI đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng như thi công khi DA chưa được phê duyệt; thực hiện hợp tác, liên kết đầu tư, ban hành nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ DA không đúng quy định...
Theo kết luận thanh tra (KLTT), SAGRI đã chuyển nhượng DA khu nhà ở Phước Long B (Q.9) cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá hơn 168 tỉ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng công ty CP Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của DA liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2). Thanh tra TP khẳng định, việc SAGRI chuyển nhượng nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, SAGRI đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch DA; báo cáo không trung thực với UBND TP, Sở Xây dựng về việc huy động vốn khách hàng để thực hiện DA...
Một phi vụ chuyển nhượng đất DA “giá bèo” khác liên quan đến hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, H.Phú Quốc (Kiên Giang) của Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - công ty thành viên của SAGRI và SAGRI chiếm hơn 26% vốn góp).
Theo hồ sơ, vào năm 2015, khi UBND TP giao tài sản cố định cho Forimex thực hiện cổ phần hóa, trong danh mục tài sản thể hiện khu đất này. Đến tháng 6.2018, Sở TN-MT Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm với hợp đồng có điều khoản ràng buộc “không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba”. Thế nhưng, từ tháng 3.2018, ông Trần Việt Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Forimex - người đại diện vốn của SAGRI, đã ký hợp đồng chuyển nhượng kiêm hợp đồng đặt cọc khu đất cho một cá nhân với giá 280.000 đồng/m2. Sau đó, có đơn tố cáo Forimex bán đất “giá bèo” vì giá thị trường loại đất này ở thời điểm chuyển nhượng là khoảng 3 triệu đồng/m2. Theo KLTT, người đại diện vốn của SAGRI tại Forimex đã biểu quyết việc chuyển nhượng khu đất là trái quy định pháp luật.
“Qua mặt” UBND TP.HCM
Cũng theo KLTT, ngoài các “phi vụ” chuyển nhượng đất DA giá bèo, SAGRI còn “qua mặt” UBND TP để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt DA đầu tư sử dụng đất công sản.
Điển hình là tại DA Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) diện tích hơn 89 ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng, được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2004. Theo KLTT, SAGRI đồng ý cho Tổng công ty CP Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng công ty này tiếp tục thực hiện DA, nhưng không xin ý kiến của UBND TP là trái quy định pháp luật. Đáng chú ý, DA chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật, mới chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30 ha, do vậy việc chuyển đổi chủ đầu tư là vi phạm luật Đất đai 2013.
Thanh tra TP cũng phát hiện SAGRI sử dụng các mặt bằng, nhà đất hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa, nhưng thực chất là cho thuê lại một phần, hoặc toàn bộ diện tích; sử dụng không đúng phương án xử lý tổng thể nhà đất của UBND TP; không đúng đối tượng và mục đích sử dụng đất; vi phạm luật Đất đai năm 2003 và 2013. Liên quan đến những sai phạm này, SAGRI phải chuyển nộp ngân sách nhà nước hơn 18 tỉ đồng từ việc cho thuê các mặt bằng, nhà đất không đúng quy định.
KLTT nêu các sai phạm trên thuộc trách nhiệm của HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực, công việc có liên quan; kiểm soát viên, kế toán trưởng, người đại diện vốn nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham mưu… thuộc SAGRI và đơn vị thành viên.
Trả lời PV Thanh Niên chiều 18.4, một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết đã có kế hoạch tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo SAGRI và các đơn vị thành viên liên quan đến KLTT 05/KL-TTTP-P7. “Việc này sẽ làm khẩn trương để báo cáo Chủ tịch UBND TP. Khi có kết quả kiểm điểm sẽ thông tin cho báo chí”, vị này nói.
Bị kỷ luật cảnh cáo, ông Lê Tấn Hùng vẫn làm Tổng giám đốc SAGRI SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP, hoạt động theo mô hình công ty “mẹ - con”; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 41066000321 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp ngày 15.11.2006. Năm 2010, SAGRI chuyển thành công ty TNHH MTV, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Những năm gần đây, doanh thu toàn hệ thống SAGRI hơn 3.000 tỉ đồng/năm. Tháng 3.2017, Thanh tra TP đã thanh tra SAGRI, qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, trong đó có việc ông Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy, thành viên không chuyên trách HĐTV, Tổng giám đốc SAGRI, đã ký khống 10 hợp đồng tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại SAGRI gửi UBND TP cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của đơn vị này trong việc sử dụng sai 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng quy định pháp luật. Liên quan đến các sai phạm phát hiện tại đợt thanh tra này, ông Hùng đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND TP quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào tháng 1.2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông Hùng vẫn làm Tổng giám đốc SAGRI. Theo một lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM, việc xử lý chức vụ lãnh đạo với ông Hùng sẽ được tiến hành theo quy trình và “sẽ thông tin khi có kết quả”. |
Đình Nguyên