Vietstock - Tiền mặt... muôn năm!
Khoảng 70% các giao dịch mua bán hàng ngày của người Pháp năm 2018 là thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt đối với đàn ông lên tới 76%, còn đối với phụ nữ thấp hơn, khoảng 60%. Hầu hết các món thanh toán bằng tiền mặt có giá trị dưới 20 euro/món (tương đương 530.000 đồng Việt Nam). Đây là những chi tiết trong một bản tin kinh tế của kênh truyền hình CNews - một trong những kênh chuyên về thời sự trong nước của Pháp.
Ảnh: Thành hoa
|
Thống kê trên khiến nhiều người ngạc nhiên. Ở một nước có nền kinh tế phát triển như Pháp, ai ai cũng có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng, sao tiền mặt vẫn thông dụng đến thế? Không lẽ thống kê sai. Ở nhiều cửa hàng, nếu người mua trả bằng tiền mặt, đôi khi người bán không có đủ tiền mặt để thối lại.
Mang chuyện này kể cho mấy người hàng xóm. Họ bảo những thống kê dạng đó chỉ nghiêng về số lượng, còn tổng giá trị giao dịch không đáng kể. Một cậu sinh viên vừa ra trường, mới đi làm, nói cậu mua thuốc lá, cà phê hay đồ ăn trưa toàn bằng tiền mặt. Một bà 70 tuổi, về hưu đã mười năm, kể ngày nào cũng ra siêu thị nhỏ gần nhà để mua đồ ăn, mỗi ngày vài thứ lặt vặt, khoảng 15 euro cả thảy và trả bằng tiền mặt. “Sao bà không nhờ con cháu lái xe đến các siêu thị lớn, mua một lượt cho hai, ba tuần, giá cả rẻ hơn lại nhiều chọn lựa?” - tôi ướm lời. Bà thủng thẳng ngày nào cũng đi bộ cho khỏe, mua linh tinh cho đồ ăn tươi và chẳng phải nhờ con. “Chúng nó bận việc, tôi lại nhiều thời gian” - bà nói.
Không như nhiều người hình dung, tiền mặt còn lâu mới biến mất cho dù mua sắm qua mạng ngày một thịnh hành. Tập đoàn Amazon vừa qua Giáng sinh 2018 được hai ngày đã hồ hởi công bố doanh số bán hàng kỷ lục cho một mùa lễ hội năm nay kể từ khi ra đời. Mua trên mạng rẻ hơn mua tại cửa tiệm, được giao đồ tận nơi, ai chẳng thích. Nhưng đâu phải cái gì cũng mua thế được. Vả lại mua sắm là một thú vui, một quãng thời gian giải trí cho không ít người và bằng chứng rõ ràng nhất là trong ví của mọi người, ít nhiều đều có tiền mặt.
Các ngân hàng ở Việt Nam đang “tấn công” vào thanh toán không dùng tiền mặt. Sử dụng từ “tấn công” ở đây không sai chút nào. Một số ngân hàng xây dựng hẳn một app phục vụ cho đủ mọi dịch vụ từ chuyển tiền đến gửi tiết kiệm, thanh toán giao dịch, thậm chí cả vay vốn (giá trị giới hạn). Thẻ tín dụng hay thẻ ATM đã phổ biến. Giờ người ta xài thẻ chạm, nhận diện bằng vân tay hay khuôn mặt. Tất cả tích hợp vào cái điện thoại di động. Điện thoại di động thành vật bảo bối, đi đâu, làm gì cũng phải có nó kè kè bên cạnh, thậm chí cả vào nhà vệ sinh.
Tuy nhiên tâm lý khác nhau giữa các thế hệ đang gây chia rẽ trong thanh toán tiền mặt hay không tiền mặt. Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ xây dựng cái app dịch vụ đa năng là nhắm đến giới trẻ, không phải những người ngoài 40 tuổi đâu nhé. Tôi và bạn bè cùng lứa - những người đã có thâm niên trên dưới hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội - đâu phải không dùng điện thoại đi động, đâu phải không có thẻ tín dụng, đâu phải không biết mua sắm trên mạng, không biết lướt web... nhưng chúng tôi vẫn thanh toán nhiều thứ bằng tiền mặt. Một cô bạn sống ở chung cư. Hàng tháng cô xuống đóng tiền dịch vụ căn hộ ở quầy lễ tân, đóng tiền điện, tiền cước Internet, tivi ở cửa hàng tiện lợi dưới tầng trệt. Đi siêu thị mua đồ ăn hàng ngày, cô trả tiền mặt. Cô có thể đến ngân hàng, mở một tài khoản cá nhân, bỏ vài đó khoảng 1-2 triệu đồng/tháng và ký hợp đồng để ngân hàng thanh toán mọi khoản dịch vụ kể trên, vừa tiện, vừa đỡ mất thời gian. Nhưng cô không làm thế. Cô giải thích cách cô thanh toán bằng tiền mặt hàng tháng tính ra không mất bao nhiêu thời gian, mà lại không phải trả phí cho ngân hàng, không phải để tiền trong tài khoản. “Ngân hàng họ tính toán cả, họ đâu có làm dịch vụ không công” - cô giãi bày. Nghĩ bụng thì đúng vậy. Ngân hàng cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng trả phí. Nhưng quan trọng hơn, thanh toán tiền mặt tận nơi là tiếp xúc với mọi người, chào nhau, mỉm cười, xã giao bâng quơ đôi ba câu, chỉ đơn giản thế nhưng khiến con người cảm thấy gần gũi hơn, quan tâm đến nhau hơn, bớt xa lạ, bớt co hẹp trong cái góc của mình, bớt ích kỷ, bớt cái tôi, và nhất là bớt sống ảo trên mạng.
Mua trên mạng rẻ hơn mua tại cửa tiệm, được giao đồ tận nơi, ai chẳng thích. Nhưng đâu phải cái gì cũng mua thế được. Vả lại mua sắm là một thú vui, một quãng thời gian giải trí cho không ít người và bằng chứng rõ ràng nhất là trong ví của mọi người, ít nhiều đều có tiền mặt.
Một trong những minh chứng cho sức sống lâu bền của tiền mặt ở thời mà người người nói chuyện công nghệ số, FinTech, công nghệ 4.0 là số lượng tiền in mới hàng năm của ngân hàng trung ương các nước. Một phần rất rất nhỏ tiền mới được in để thay thế các đồng tiền cũ nát, hư hỏng, còn phần lớn là để đưa vào lưu thông, thực hiện chức năng thanh toán, tích trữ (tiết kiệm)... Việc in tiền, phát hành tiền mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Không biết tục lệ lì xì tiền cho trẻ em ngày Tết tồn tại đã bao nhiêu năm, song đến tận bây giờ, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, người lớn lại đi đổi tiền mới, mệnh giá lớn nhỏ đủ cả, cho vào phong bì màu đỏ, màu vàng để mừng tuổi con nít. Tôi vẫn còn giữ những đồng tiền mừng tuổi 1 hào, 5 hào có từ ngày bé. Mấy chục năm rồi, những đồng tiền cũng xuống màu theo thời gian, nhưng chúng chứa đựng bao kỷ niệm tuổi thơ không gì thay thế được.
Tết hiện nay khác Tết ngày xưa. Tiền mặt lì xì giờ cũng khác. Người ta không chỉ mừng tuổi trẻ em. Đối tượng được lì xì lan ra khắp mọi giới, mọi độ tuổi. Ở công ty sếp lì xì cho nhân viên. Bố mẹ lì xì con cái. Con cái lì xì ông bà, chú bác... đủ cả. Dường như đến Tết ai cũng mong lì xì và được mừng tuổi.
Rồi lì xì biến tướng. Nhân tiện Tết người ta đưa phong bì, nhận phong bì vì những mối quan hệ. Có khi tiền lì xì không phải tiền đồng, mà bằng ngoại tệ, nhưng bất kể là loại tiền gì, chúng đều là tiền mặt. Ưu thế của tiền mặt ở chỗ này là áp đảo, là không có đối thủ cạnh tranh, là tuyệt đối. Liệu có ai lì xì bằng chuyển khoản ngân hàng không? Đừng mơ nhé. Những mối quan hệ xây dựng dựa trên “văn hóa” phong bì phải kín đáo, tế nhị mà sự kín đáo, tế nhị thì chỉ tiền mặt mới đảm đương được.
Tiền mặt vẫn sống mãnh liệt lắm!
Hải Lý