Vietstock - Tòa án có quyền xử Huyền Như tội tham ô
Nếu lần trả hồ sơ thứ hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như này mà Viện KSND vẫn không truy tố được tội tham ô tài sản thì TAND TP.HCM có quyền xét xử Huyền Như về tội tham ô tài sản.
Huyền Như bị tuyên án tù chung thân về tội lừa đảo và cũng đang bị điều tra về tội tham ô theo đề nghị của hội đồng xét xử phúc thẩm - Ảnh: T.T.D.
|
Đại án Huyền Như để lại nhiều bài học cho các cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy hội đồng thẩm phán TAND tối cao nên lấy vụ án này làm “án lệ”. Ông ĐINH VĂN QUẾ |
Ngay từ giai đoạn 1, khi Viện KSND truy tố Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã có nhiều chuyên gia hàng đầu về Luật hình sự cho rằng Huyền Như phạm tội tham ô chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, phải đến phiên tòa phúc thẩm lần 1 hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm TAND tối cao (nay là TAND cấp cao) mới quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, vì cho rằng Huyền Như phạm tội tham ô tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, khi điều tra lại, cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện KSND cho rằng không có căn cứ để thay đổi tội danh từ lừa đảo sang tham ô như bản án phúc thẩm đặt ra, vì năm công ty có lỗi khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước; không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như.
Mặt khác, VietinBank cũng có lỗi trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng. Từ đó kết luận Như có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu đến khi tội phạm hoàn thành, nên hành vi của Huyền Như chỉ là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lý do mà CQĐT và Viện KSND đưa ra khó thuyết phục, vì dấu hiệu của tội tham ô tài sản của các bị can rất rõ: người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do chính mình có trách nhiệm quản lý.
Còn việc năm công ty có lỗi hay không có lỗi chẳng liên quan gì đến dấu hiệu cấu thành tội phạm của Huyền Như. Tiền gửi vào ngân hàng (NH) đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Việc trả lãi suất vượt trần là do NH đặt ra, chứ người gửi tiền đâu có quyền. Khi tiền đã vào NH thì trách nhiệm quản lý là của NH, sao lại bắt người gửi tiền phải quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời.
Đúng như một thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xác định đây là điều tra lại theo quyết định của tòa án cấp phúc thẩm.
Nếu CQĐT và Viện KSND thấy việc hủy một phần bản án sơ thẩm không đúng thì phải có kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét, còn nếu không thì phải chấp hành quyết định của tòa án cấp phúc thẩm.
Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Từ nay đến đó chỉ còn năm tháng nữa. Nếu lần trả hồ sơ vụ án này (lần thứ hai) mà Viện KSND vẫn không truy tố Huyền Như tội tham ô tài sản thì TAND TP.HCM có quyền xét xử Huyền Như về tội tham ô tài sản.
Bởi lẽ, theo khoản 3 điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện KSND truy tố thì tòa án trả hồ sơ để Viện KSND truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết;
Nếu Viện KSND vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.