Vietstock - Tín dụng tiêu dùng: Cửa sẽ còn thêm rộng
Dân số của Việt Nam có hơn 50% đang ở độ tuổi lao động, đặc biệt đối với người trẻ thì nhu cầu vay vốn tiêu dùng là vô cùng lớn. “Cầu ngày càng mở rộng thì đương nhiên cung sẽ phải có sự điều chỉnh để đáp ứng. Nên dư địa để tín dụng tiêu dùng lớn mạnh còn rất thênh thang”.
Dễ vay, linh hoạt - đó là những đặc điểm khiến cho tín dụng tiêu dùng những năm gần đây trở thành lĩnh vực ngày càng nở rộ, thu hút được rất nhiều khách hàng. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng của nước ta còn khá thấp, chiếm khoảng 5-10%/tổng dư nợ tín dụng. Với các quốc gia khác, con số này trung bình sẽ rơi vào khoảng 40-50%. Dư địa và tiềm năng để phát triển lĩnh vực này còn đang rộng mở. Đơn cử năm 2016, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tăng 39% so với năm 2015. Chính điều này cũng khiến các NHTM đầu tư nhiều hơn vào tín dụng cá nhân.
Thời gian qua, thị trường tín dụng tiêu dùng đã chứng kiến nhiều dịch chuyển tích cực qua việc một loạt công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng được sáp nhập, thành lập mới, cũng như sự gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như CTTC cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) chấm dứt hoạt động kể từ ngày 12/1/2017 và chính thức sáp nhập vào SHB. Thành lập và đưa vào hoạt động CTTC tiêu dùng cũng là mục tiêu được SHB đặt ra trong năm 2017.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, việc thành lập CTTC tiêu dùng SHB sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận của NH này năm 2017. Hiện công ty đã được NHNN cho phép thành lập và SHB đã hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh và đang triển khai tuyển nhân sự cho công ty.
Trong công bố nghị quyết Đại hội Cổ đông thường niên năm 2017, SeABank cũng cho biết NH sẽ thực hiện góp vốn tối đa 500 tỷ đồng để mua cổ phần thành lập CTTC tiêu dùng. Việc góp vốn hay mua cổ phần của SeABank được thực hiện dưới hình thức công ty con do SeABank sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc công ty liên kết do SeABank góp vốn thành lập. ACB cũng đang có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới CTTC, chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính ACB Leasing sang CTTC cho vay tiêu dùng...
Bên cạnh đó, nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều NHTM trong năm 2016 và quý I/2017 có thể thấy, lợi nhuận của không ít NH có sự tăng trưởng mạnh nhờ mảng cho vay tiêu dùng từ công ty con. Điển hình như VPBank, báo cáo tài chính quý I/2017 của nhà băng này cho thấy lợi nhuận công ty mẹ VPBank chỉ 814 tỷ đồng, 1.100 tỷ đồng còn lại từ các công ty con, trong đó chủ yếu là FE Credit. Hay ACB, năm 2016 tín dụng khách hàng cá nhân tăng 30%, đóng góp 53,81% tổng dư nợ cho vay, giúp lãi thuần của ACB năm 2016 tăng trưởng 17,1%.
Trước đây, cho vay tiêu dùng gặp phải không ít lo ngại khi vay không tài sản bảo đảm (vay tín chấp) với điều kiện khá đơn giản, thủ tục nhanh gọn, tiện lợi nhưng đổi lại lãi suất cho vay khá cao, dẫn tới tình trạng nhiều khách hàng chỉ mong muốn nhanh chóng vay được tiền mà bỏ qua điều kiện lãi suất cho vay, đến khi phải chịu phạt thì lại quy trách nhiệm cho CTTC. Để hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3 vừa qua đã tạo thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả hơn.
Tại Thông tư 43, một trong những điểm mới là quy định về trần lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC để từ đó người tiêu dùng có thêm cơ sở tham khảo trước khi ký vay vốn. Thông tư cũng yêu cầu CTTC chỉ được cho vay dưới 100 triệu đồng/khách hàng. Và mức này không áp dụng với vay tiêu dùng mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay theo quy định pháp luật. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn cho NHNN trong việc quản lý.
Trong nhiều lần trao đổi với phóng viên nhiều chuyên gia tài chính - NH cho rằng tín dụng tiêu dùng chắc chắn sẽ còn phát triển và có những bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, bởi đất để cho lĩnh vực này còn rất rộng mở. Điều này không khó lý giải, vì nếu cho vay tiêu dùng phát triển hiệu quả, thì lợi nhuận mà nó mang lại không chỉ giúp cho NH mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế. Đối với khách hàng - một bộ phận không nhỏ không có đủ điều kiện vay vốn của NHTM sẽ chuyển sang vay tại các CTTC hay phi tài chính, phục vụ cho nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, một chuyên gia cũng chia sẻ thêm, dân số của Việt Nam có hơn 50% đang ở độ tuổi lao động, đặc biệt đối với người trẻ thì nhu cầu vay vốn tiêu dùng là vô cùng lớn. “Cầu ngày càng mở rộng thì đương nhiên cung sẽ phải có sự điều chỉnh để đáp ứng. Nên dư địa để tín dụng tiêu dùng lớn mạnh còn rất thênh thang” - ông nhấn mạnh. Và các NH cũng không chần chừ gì mà không nắm lấy thời cơ này.
Như VPBank mới đây vừa ra mắt thương hiệu Vay Nhanh VPBank: cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo, chủ yếu đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của khách hàng khi lập gia đình như sửa nhà, mua xe, mở rộng sản xuất kinh doanh. Agribank cũng dành 5.000 tỷ đồng cho vay trung - dài hạn với lãi suất cạnh tranh chỉ từ 8-9%/năm dành cho khách hàng vay vốn mục đích tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống từ nay tới hết 31/12/2017...