Vietstock - Tái cơ cấu ngân hàng - Cửa đã mở cho nhà đầu tư nước ngoài?
Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015 đã diễn ra theo 3 hướng: khuyến khích các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập tự nguyện hoặc bắt buộc; cho các ngân hàng tự tái cơ cấu, tìm thêm nguồn lực tăng vốn theo Đề án được phê duyệt và cuối cùng là NHNN mua 0 đồng các ngân hàng yếu kém đến mức không thể tự khắc phục.
Và giờ đây có vẻ như đã đến lúc Chính phủ và NHNN muốn sự tham gia tích cực từ nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.
Tích cực kêu gọi và mời chào
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thời gian qua đã liên tục mời gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công cuộc tái cấu trúc các ngân hàng Việt Nam thông qua những phát biểu ở hội nghị, hội thảo tại các diễn đàn quốc tế. Lần đầu tiên là tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 năm ngoái, khi ông mới nhậm chức, tiếp đến là tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng Châu Á vào tháng 11/2016, ông đều thể hiện rõ sự mong muốn “các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước”.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề Ngân hàng Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam với nợ xấu ở mức vừa phải và Thủ tướng sẵn sàng tạo điều kiện cho việc này, khi biết tổ chức trên định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Diễn biến thời gian qua cho thấy Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đang tích cực kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tể để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.
Cũng theo chia sẻ từ thống đốc NHNN trong cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và tình hình hoạt động hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017, thì trong số ba ngân hàng 0 đồng hiện nay, một ngân hàng đã có nhà đầu tư nước ngoài mua, một ngân hàng đang có ba nhà đầu tư mong muốn được sở hữu, do đó chỉ còn lại một ngân hàng sẽ giúp NHNN dễ dàng xử lý nhanh hơn. Và thông tin vào cuối tháng 6 vừa qua cho thấy chính là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã được bán cho một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á, trong khi Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) khả năng cũng được bán lại cho một định chế tài chính nước ngoài cùng một công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản. Riêng Ngân hàng 0 đồng còn lại là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) được thông tin sẽ để tự tái cơ cấu rồi sau đó sáp nhập với một ngân hàng trong nước.
Xu hướng tất yếu
Về cơ bản Chính phủ hay NHNN không nên tham gia sở hữu và điều hành quá nhiều doanh nghiệp trong một nền kinh tế, mà chỉ nên đóng vai trò kiến tạo theo như định hướng của Chính phủ hiện nay. Việc NHNN mua lại 3 ngân hàng 0 đồng trong những năm qua là nhằm ổn định hệ thống ngân hàng, tránh gây ra sự hoảng loạn, khủng hoảng thanh khoản và ngăn ngừa “hiệu ứng domino” từ sự yếu kém của các ngân hàng này.
Trên thế giới Chính phủ nhiều nước cũng đã thực thi những chính sách như vậy, bơm vốn giải cứu những tổ chức quá lớn hoặc có ngành nghề kinh doanh nhạy cảm mà nếu sụp đổ sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007, Chính phủ Mỹ đã phải giải cứu 2 tổ chức chuyên cho vay thế chấp bất động sản là Fannie Mae và Freddie Mac, bơm vốn cho Citigroup, cho vay đặc biệt đối với JP Morgan Chase để mua lại Ngân hàng Bear Stearns, cũng như cấp vốn mua cổ phần ưu đãi hoặc bảo lãnh cho các ngân hàng lớn khác như Bank of America. Sau một thời gian Chính phủ có thể bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư khi hoạt động của tổ chức được giải cứu đi vào ổn định.
Thực tế cho thấy các cuộc tái cấu trúc và cải cách ngành ngân hàng tại nhiều quốc gia đều có sự đóng góp lớn từ Chính phủ và cả nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên Chính phủ sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp cải tổ ngân hàng, xây dựng các quy định mới theo chuẩn quốc tế, tiến hành các biện pháp xử lý nợ xấu, thậm chí có thể quốc hữu hóa những ngân hàng quá yếu kém để tái cấu trúc lại rồi sau đó mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Diễn biến tại Việt Nam thời gian qua cũng gần như đang đi theo hướng như vậy. NHNN cũng đã xây dựng các quy định dần tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, cụ thể là Basel II và tiếp đến sẽ là Basel III. Tháng 6/2013 thành lập công ty VAMC để giúp các ngân hàng làm sạch bảng cân đối tài sản, xử lý các khoản nợ xấu, các tài sản không sinh lời và ban hành các Nghị quyết, Nghị định xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ hình thành.
Đặc biệt sau khi mua lại các ngân hàng 0 đồng, NHNN đã cử nhân sự có kinh nghiệm từ các NHTM Nhà nước tham gia điều hành cũng như hỗ trợ nguồn lực tài chính, giúp các ngân hàng này ổn định cơ cấu tổ chức và nhân sự, tạo điều kiện khắc phục những yếu kém và đẩy mạnh phát triển kinh doanh, cũng như giám sát các giải pháp phục hồi theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt. Sau một thời gian hoạt động của tổ chức đi vào ổn định và đạt được những kết quả tích cực ban đầu, thì có vẻ như NHNN đang đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư khác tham gia, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài.
Tại sao ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài?
Về việc tại sao ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mà không phải là nhà đầu tư trong nước, có thể đến từ những lý do sau: các nhà đầu tư trong nước thường có nguồn lực hạn chế, trong khi các tổ chức quốc tế không những có nguồn lực tài chính lớn mà còn có khả năng quản trị, kinh nghiệm điều hành nên sẽ giúp các ngân hàng tái cơ cấu có thể hồi phục nhanh hơn. Khác với giai đoạn trước đây, NHNN hiện nay đòi hỏi nhà đầu tư phải chứng minh được “tiền tươi thóc thật” và hợp lệ để tham gia góp vốn đầu tư, tránh việc sở hữu chéo hoặc vay vốn ngân hàng để tham gia góp vốn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước tham gia góp vốn với nguồn lực tài chính hùng hậu nếu có thường là các doanh nghiệp lớn, và sau đó rất dễ xảy ra tình trạng ngân hàng lại biến thành sân sau của những doanh nghiệp này. Đây là điều mà NHNN không muốn lại tái diễn như đã xảy ra trong những năm qua. Tấm gương của Ngân hàng Xây dựng vẫn còn đó, khi Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu ngân hàng, khi đó là Ngân hàng Đại Tín, bằng cách vay vốn một ngân hàng khác để mua lại cổ phần, kinh nghiệm quản trị điều hành cũng không có và sau đó biến ngân hàng thành công cụ phục vụ cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Vấn đề quan trọng nhất khi bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài là giá bán các ngân hàng này sẽ là bao nhiêu và NHNN tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ hay ưu đãi nào cho các nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu để thu hút các nhà đầu tư chiến lược hay không? Nếu các chính sách ưu đãi được duy trì thì chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực và kinh nghiệm tham gia, từ đó giúp công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng sớm có kết quả, khi đó nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi.