Vietstock - Sức mạnh đồng USD năm 2025: Kỳ vọng hay cơn “ác mộng”?
Sau một năm làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, sức mạnh đồng USD vẫn là ẩn số quan trọng tác động đến chính sách tiền tệ của hầu hết quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, trong năm 2025.
Chịu nhiều áp lực, tỷ giá USD/VND nhiều lần bùng nổ
Nguồn: VietstockFinance
|
Sau chuỗi tăng lãi suất 11 lần để kiểm soát lạm phát dai dẳng, kể từ tháng 7/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dừng tăng và duy trì nền lãi suất ở mức cao 5.25-5.5% đến hơn 1 năm, với nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, bất chấp những thách thức lớn đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt:%
|
Đứng trước dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ rệt sau thời gian dài thắt chặt tiền tệ để kìm chế lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới đã bắt đầu giảm lãi suất từ sớm khi lạm phát hạ nhiệt (NHTW châu Âu giảm lãi suất từ đầu tháng 6/2024, NHTW Anh giảm từ đầu tháng 8/2024, NHTW Canada giảm vào gần cuối tháng 7/2024) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Việc Fed trì hoãn giảm lãi suất so với phần còn lại của thế giới đã làm tăng khoảng cách lợi suất giữa USD và các đồng tiền khác, khiến USD hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, tạo thế “thượng phong” của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối.
Chưa hết, với vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu, USD được xem là “kênh trú ẩn an toàn” với nhà đầu tư khi bất ổn gia tăng do xung đột Trung Đông leo thang, càng góp phần gia tăng sức mạnh của đồng tiền này vào những tháng đầu năm 2024.
Diễn biến chỉ số DXY trong 3 năm qua
Nguồn: marketwatch
|
Vì những nguyên nhân trên, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng USD tăng tốc và lập đỉnh vào ngày 30/4/2024 với mức tăng 5% so với cuối năm 2023, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong nước, 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh, đạt gần 149 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất.
Mặt khác, lãi suất VND thấp hơn so với USD quốc tế (NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, khi Mỹ tăng và giữ lãi suất USD ở mức cao) khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm, thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro (phục vụ thanh toán trong tương lai, từ đó làm nhu cầu ngoại tệ tương lai chuyển về hiện tại). Đối tượng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, khiến cung cầu đồng USD trên thị trường liên ngân hàng mất cân bằng trong ngắn hạn.
Nguồn: VCB (HM:VCB)
|
Dưới áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND quý 2 diễn biến căng thẳng khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng giá bán giao ngay của NHNN tại mốc 25,450 đồng/USD, tăng 4.9% so với đầu năm 2024.
Giá USD bán ra của VCB giai đoạn này không ngừng xô đỉnh, chạm trần biên độ giao dịch cho phép (+/-5%), rồi dừng chân tại đỉnh 25,488 đồng/USD vào ngày 23/4, tăng 4.4% so với cuối 2023.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong 2 năm 2023-2024. Đvt:%/năm
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong bối cảnh trên, dù NHNN đã phát hành tín phiếu để hút tiền đồng, kết hợp tăng lãi suất OMO để thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa VND (HM:VND) và USD, tỷ giá vẫn liên tục chịu áp lực khiến NHNN phải thực hiện nghiệp vụ bán thẳng ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm với khối lượng tương đối lớn (ước tính hơn 6 tỷ USD, tính đến cuối quý 2, theo KBSV). Giá bán can thiệp cũng là giá bán giao ngay được giữ cố định tại mốc 25,450 đồng/USD suốt gần 4 tháng (từ ngày 19/4 đến 30/8).
Sau nhiều nỗ lực của nhà điều hành, cùng với việc Fed chính thức cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm (kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát), với mức giảm lãi suất 0.5% vào ngày 18/9 khiến giá USD trên thị trường quốc tế dần hạ nhiệt.
Tương đồng với diễn biến chỉ số DXY, giá bán USD của VCB giảm xuống dưới 25,000 đồng/USD vào cuối tháng 9, tương ứng giảm 2.9% so với đỉnh lập hồi tháng 4 và chỉ tăng nhẹ 1.3% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, căng thẳng tỷ giá dịu xuống không được bao lâu, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà trắng đã trở thành “ngọn lửa” thổi bùng sức mạnh đồng USD leo thang một lần nữa. Chỉ số DXY tăng vọt lên hơn 108 điểm (ngày 22/12) - mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, trong khi nhu cầu USD trong nước cao hơn khi có khoản trái phiếu Chính phủ quốc tế đáo hạn vào giữa tháng 11 và nhu cầu nhập khẩu tăng ở quý 4. VCB tiếp tục bán USD quanh mức trần quy định.
Sau nhiều pha bùng nổ lên cao kỷ lục, tỷ giá niêm yết của VCB khép lại 1 năm “ồn ào” tại đỉnh kỷ lục 25,221-25,551 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 4.6% so với cuối 2023.
Tỷ giá ngân hàng sẽ vượt 26,000 đồng/USD vào cuối năm 2025?
Điều hành tỷ giá ổn định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN để thu hút dòng vốn FDI và xuất khẩu. Vì vậy, đường đi của đồng USD sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến tỷ giá USD/VND cũng như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, đồng USD sẽ diễn biến khá phức tạp trong năm 2025, do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như: (1) Chính sách của Tổng thống Trump về thuế quan và di dân ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí lao động, tác động lên lạm phát và tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed; (2) Sức khỏe nền kinh tế Hoa Kỳ - khi tăng trưởng tích cực, tạo ra nhiều việc làm thì sức mạnh của đồng USD cũng tăng lên; (3) Xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, gây áp lực lạm phát; (4) Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, gia tăng lạm phát và chính sách cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương; (5) Sự phục hồi của các quốc gia khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, nhóm BRICS… làm giảm sức mạnh đồng USD trong năm 2025.
TPS dự báo tỷ giá ngân hàng thương mại có thể lên trên ngưỡng 26,000 đồng/USD vào cuối năm 2025
|
TPS dự báo: tỷ giá ngân hàng thương mại tại thời điểm 31/12/2025 là 26,073 đồng/USD, tăng 2.4% so với đầu năm 2025.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, căng thẳng tỷ giá sẽ là yếu tố cần phải theo dõi xuyên suốt năm 2025, trong bối cảnh nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể và duy trì ở mức tương ứng khoảng 2.4 tháng nhập khẩu, tính đến tháng 8/2024 - thấp hơn ngưỡng 3 tháng theo khuyến nghị của IMF. Nguồn dự trữ ngoại tệ thấp cũng cho thấy bộ đệm dùng cho việc can thiệp tỷ giá đã không còn dồi dào như trước.
Dẫu vậy, có thể kỳ vọng các đợt giảm lãi suất của Fed năm 2025 sẽ tạo điều kiện phù hợp cho NHNN tái tích lũy nguồn dự trữ ngoại hối và có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành. Nhìn về phía trước, một số yếu tố thuận lợi củng cố dự trữ ngoại hối có thể kể đến như: Lượng kiều hối dự kiến duy trì ổn định, thặng dư thương mại khoảng 23.3 tỷ USD lũy kế 11 tháng đầu năm 2024.
Khang Di