💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Siết chặt kỷ luật đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Ngày đăng 18:25 02/05/2019
Siết chặt kỷ luật đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Vietstock - Siết chặt kỷ luật đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp Nhà nước là khu vực kinh tế có hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực được Nhà nước đầu tư; thậm chí còn nợ nần thua lỗ.

Công ty Truyền tải điện 2 thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tiến hành mở rộng, nâng công suất trạm biến áp 220kV Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đánh giá về thực trạng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cho rằng xét về tổng thể, đây là khu vực kinh tế có hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực được Nhà nước đầu tư; thậm chí còn nợ nần thua lỗ và thất thoát lớn.

Nguyên do được đưa ra chủ yếu là cơ chế quản trị ở các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Do đó, để phù hợp với xu hướng toàn cầu, cần đổi mới tư duy quản lý theo hướng thay đổi mô hình từ phi tập trung sang thực hiện thống nhất các quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Các ý kiến cũng cho rằng cần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường phân cấp, phân quyền và thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất là thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đi vào chiều sâu.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết với khoảng 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế với đóng góp khoảng 27-28% GDP và 24% tổng cân đối nguồn thu ngân sách. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng; trong đó có 91% ngành điện, 80% ngành thông tin truyền thông, 79% là ngành khai khoáng, 57% ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Hiện tại, ba tập đoàn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội đang cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nguồn nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Vì lẽ đó, ông Cung cho rằng cần phải thận trọng khi đưa các tập đoàn kinh tế Nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối và điều tiết nền kinh tế bởi nguy cơ rủi ro nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

Với bài học kinh nghiệm tốt của ngành viễn thông, ông Cung cho hay cạnh tranh và cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Theo đó, để phá vỡ thế độc quyền, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đang hoạt động song song cùng với các doanh nghiệp đủ điều kiện của khu vực tư nhân. Điều này khiến cho cả người dân và nền kinh tế đều được hưởng lợi, trước hết là về chất lượng, dịch vụ và giá cả.

Ông Cung khuyến nghị, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, tới đây cần áp dụng công cụ quản trị và giám sát các tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đồng thời thiết lập và vận hành hệ thống theo dõi, cảnh báo rủi ro đối với từng ngành và lĩnh vực cụ thể; áp dụng cơ chế ràng buộc ngân sách cứng và thiết lập kỷ luật tài chính đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đặc biệt, phải tái cơ cấu toàn diện và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành đi đôi đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Cũng theo ông Cung, không nên ban hành chính sách riêng cho tập đoàn kinh tế hay nhóm các công ty mẹ-con như đấu thầu nội bộ, chỉ định thầu, vì điều này là không phù hợp với thông lệ và thực tế đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như từng có với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam hay các dự án “đắp chiếu," thất thoát, thua lỗ như trước kia.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho rằng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Các doanh nghiệp không chỉ cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo và trình độ quản trị mà còn huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bảo toàn, phát triển phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đây thực sự là khu vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển và thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội như Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã đề ra.

Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nhìn lại thực tiễn trước đây, ông Tuấn Anh phân tích, việc thực thi quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước được phân bổ cho nhiều cơ quan khác nhau từ các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố dẫn tới sự phân tán về chức năng đại diện chủ sở hữu vốn; sự lẫn lộn giữa chức năng làm chính sách và chức năng hành chính đối với việc kinh doanh ở doanh nghiệp.

Thậm chí, việc thực thi còn tạo nên những xung đột về chức năng khi Nhà nước thì đặt ra mục tiêu là hạ giá thành sản phẩm cung cấp đến cho người dân, nhưng mức giá thấp ấy lại khiến giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là chưa kể, việc các bộ chủ quản làm đại diện chủ sở hữu khiến môi trường cạnh tranh và việc hoạch định chính sách có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, tạo nên sự canh tranh thiếu công bằng…

Theo ông Phạm Tuấn Anh, việc tập trung quản lý để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là điều cần phải làm ngay; phải tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường.

"Bên cạnh đó, tích cực triển khai nghiên cứu các ứng dụng và đầu tư đổi mới công nghệ, thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn năng lượng và nguyên vật liệu, từng bước loại bỏ những sản phẩm không thân thiện với môi trường và có định hướng phát triển bền vững," ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước cũng là vấn đề rất quan trọng. Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM, cho hay hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Vì vậy, theo ông Hiếu, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, áp dụng cách thức và công cụ giám sát tốt về quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

Việc tập trung quyền sở hữu cần gắn với trách nhiệm và làm rõ cơ chế xử lý trách nhiệm trong việc phê duyệt các dự án, phương án thua lỗ, kém hiệu quả. Ngoài ra, phải làm rõ cơ chế giám sát của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và phải công khai thông tin hoạt động để việc giám sát được công khai, minh bạch và đầy đủ thông tin.

Thạch Huê

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.