Vietstock - Sau 30-7, thịt heo truy xuất nguồn gốc mới được bán ở chợ đầu mối
Từ sau ngày 30-7, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền ở TPHCM, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết tại buổi làm việc với Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố, đại diện UBND 24 quận huyện chiều 7-6.
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, từ sau 30-7 heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán tại chợ đầu mối. Trong ảnh là thịt heo được kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Vũ Yến
|
Hóc Môn và Bình Điền là hai chợ đầu mối chính cung cấp thịt heo cho toàn TPHCM.
Ông Tuyến cho biết, theo lộ trình của TPHCM, bắt đầu từ 15-9, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở tất cả các kênh ở TPHCM và việc này sẽ được thành phố triển khai nghiêm túc. Trước mắt, thành phố sẽ siết chặt nguồn thịt heo được đưa vào các chợ đầu mối. Sau thời điểm 30-7, các loại thực phẩm khác không có nguồn gốc cũng không được bán ở các chợ đầu mối.
“Thực phẩm có nguồn gốc thực tế chưa chắc đã là thực phẩm an toàn, nhưng dù sao có nguồn gốc cũng giúp chúng ta kiểm soát được”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến cũng đề nghị UBND 24 quận huyện chậm nhất là ngày 15-7 gửi kế hoạch chi tiết về việc dẹp sạch chợ tự phát, chợ lấn chiếm lòng lề đường. Theo ông, hình thức các chợ này là đầu mối phát sinh thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hiểm.
Loại chợ này thường tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lao động nơi có nhiều công nhân, người lao động nghèo sinh sống; theo đó, Sở Công Thương TPHCM cần lập kế hoạch, tăng cường cửa hàng lưu động, bán hàng bình ổn vào các khu vực đó để đảm bảo phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động nghèo.
“Theo kế hoạch của UBND TPHCM, chậm nhất đến tháng 6-2018 sẽ không còn chợ tự phát, chợ lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn thành phố. Đây là một việc khó nhưng phải kiên quyết làm”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng chỉ đạo phải chấm dứt sớm tình trạng giết mổ lậu, trái phép; tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì chủ tịch, phó chủ tịch quận, huyện phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại buổi làm việc, ông Tuyến yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM nên xem lại quy định, nghiên cứu, tính toán tới việc gắn biển hiệu, dán niêm phong “cửa hàng, cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm” đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cửa hàng bán thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ông cho rằng, việc làm này sẽ đem lại hiệu quả hơn, có tính răn đe hơn và người tiêu dùng dễ nhận biết hơn là việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Bởi thực tế, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là việc xưa nay vẫn thực hiện.
Ông Tuyến cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường nên công khai, minh bạch thời gian kiểm tra cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh biết. Làm vậy, bởi việc kiểm tra này không chỉ nhằm mục đích phạt tiền mà quan trọng là để chấn chỉnh, nhắc nhở. Ngoài ra, việc kiểm tra công khai cũng là để tránh tình trạng cán bộ kiểm tra nhận “phong bì” để lờ đi những sai phạm.